Chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong cộng đồng dân tộc thiểu số
Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, song tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp tại vùng DTTS của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đặc biệt tại huyện miền núi A Lưới là địa phương có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhiều nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những năm gần đây, tình trạng này đã có chiều hướng giảm, theo thống kê, giai đoạn 2008 – 2013, huyện có 221 cặp vợ chồng tảo hôn, giai đoạn 2013 - 2018 có 180 cặp vợ chồng tảo hôn. Số lượng trường hợp tảo hôn cũng giảm dần qua các năm.
Hôn nhân cận huyết để lại nhiều hậu quả khôn lường (ảnh minh họa) |
Mặc dù cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có rất nhiều nỗ lực trong quá trình thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm song tình trạng này ở địa bàn 2 huyện Nam Đông và A Lưới vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, đã làm ảnh hưởng đến công tác dân số - KHHGĐ, gây nhiều hệ lụy.
Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã cướp đi quyền được học, vui chơi, cướp đi sự trong trắng, vô tư của các em, nhất là các em gái, buộc họ phải sống trong sự chiếm đoạt cả về thể xác, tâm hồn, rơi vào vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và thất học.
Thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cốt lõi ở đây do trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật trong đồng bào DTTS còn hạn chế, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên; vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán, quan niệm lạc hậu, ảnh hưởng sâu trong nhận thức của người dân. Thứ nữa, do công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương còn hạn chế và hiệu quả chưa cao. Sự can thiệp của chính quyền về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa quyết liệt, chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống còn thấp, nhiều gia đình không đủ chi phí cho việc học hành của con cái nên dẫn đến kết hôn sớm; các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm đối với con cái của mình.
Và một vấn đề không thể không nói đến là do tác động của những mặt trái trong đời sống hiện đại, thời đại thông tin. Các phương tiện thông tin phát triển mạnh nên giới trẻ tiếp cận dể dàng với các phim ảnh không lành mạnh. Từ đó con đường dẫn đến quan hệ tình dục khi đang ngồi trên ghế nhà trường là rất gần.
Để giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Thừa Thiên - Huế đã và đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Theo ông Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chủ yếu xảy ra ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, nơi có đông đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu... sinh sống. Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức triển khai mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn với nhiều hoạt động phong phú như: phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tổ chức 80 buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ cho đoàn viên, hội viên tại cơ sở, để cung cấp thông tin, kiến thức về việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Ngành tập trung tuyên truyền về kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản những người vị thành niên, thanh niên; trong đó, chú trọng vào các địa bàn có tình trạng tảo hôn cao...
Để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm thiểu một cách bền vững, thời gian tới, Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, Luật Hôn nhân và Gia đình.
Tỉnh chú trọng thay đổi nhận thức của các nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên vùng dân tộc thiểu số; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể; nâng cao vai trò của người uy tín, già làng, trưởng bản trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống cũng như hạn chế những phong tục, tập quán lạc hậu và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống..../.