Chặn đứng hoạt động rửa tiền tham nhũng qua thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa |
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những ưu việt rất lớn của thị trường chứng khoán (TTCK) thì vẫn có những hạn chế không thể tránh khỏi. Thông qua TTCK, đối tượng có thể thao túng thị trường giao dịch, nội gián, rửa tiền…
Sau hơn 14 năm đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đã từng được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt là về mức độ, tỷ lệ và tốc độ tăng của vốn hóa thị trường.
Trong suốt thời kỳ từ năm 2000 - 2005, vốn hóa thị trường chỉ đạt trên dưới 1% GDP. Quy mô thị trường đã có bước nhảy vọt lên 22,7% GDP năm 2006 và tiếp tục tăng lên mức trên 43% vào năm 2007. Tính đến cuối tháng 7/2014, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt khoảng 52 tỷ USD, chiếm 32% GDP, giá trị trái phiếu niêm yết chiếm gần 17% GDP (xem Bảng 1).
Đây được xem là thành công đáng khích lệ của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, những thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng tốt, tiềm năng lợi nhuận cao khiến nguy cơ hoạt động rửa tiền của bọn tội phạm là rất lớn.
Tại Việt Nam, với đặc thù của một nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, việc phòng chống hoạt động rửa tiền nói chung và rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng là vấn đề rất đáng quan tâm.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết, thông thường sẽ có hai nguồn đầu tư trên thị trường chứng khoán, đó là nguồn đầu tư trong nước nguồn từ nước ngoài.
Đối với nguồn đầu tư trong nước, có một lượng tiền hình thành từ tiền thất thoát hoặc tham nhũng. Và lượng tiền này có thể chảy vào TTCK nhằm mục đích gột rửa rồi sau đó lại chảy ra 1 cách an toàn. Bởi lẽ, trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ngày càng nhiều, bên cạnh đó, tình hình tham nhũng ngày một tăng cao. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ 2011-2015, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện hiện 441 vụ tham nhũng, 696 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng. Giả sử con số này nếu chuyển qua đầu tư chứng khoán sẽ khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, thực tế, TTCK của Việt Nam là thị trường mới nổi, đang trong quá trình đi lên nên nguồn vốn vào nhiều và cần nhiều. Do vậy, bên cạnh việc thu hút nguồn vốn vào thị trường chứng khoán thì phải có công cụ kiểm soát dòng tiền nhằm đảo bảo an toàn. Đó là việc ngăn chặn, giảm tỷ lệ thất thoát thông qua đấu tranh chống tham nhũng.
Điển hình như Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012; Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; và các thông tư hướng dẫn như Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền…
Có thể nói, các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng có những quy định chi tiết được xây dựng theo hướng đáp ứng các yêu cầu được đề ra trong bản 49 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Riêng đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hiện nay UBCK đã thành lập Tổ công tác phòng, chống rửa tiền, tổ này có nhiệm vụ tiếp nhận, phân tích, xử lý các thông tin, tài liệu từ các đơn vị trong Uỷ ban, tổng hợp và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy định; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ chương trình phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.
Ngoài ra, UBCK có nhiều hoạt động hợp tác và trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý về chứng khoán và TTCK tại các nước trong khu vực và trên thế giới như Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC), Ủy ban Giám quản Trung Quốc (CSRC), Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SC), Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS), Cơ quan Dịch vụ tài chính Anh (FSA)…
Được biết, hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK đã chính thức triển khai được 5 năm tại UBCK. Nhiều văn bản mới đã được ban hành như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; Thông tư 13/2013/TT-BTC về giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK…
Ngoài ra, trong năm 2013, hệ thống Giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) đã được UBCK đưa vào hoạt động nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ về thông tin, dữ liệu giao dịch do các Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và các đơn vị liên quan cung cấp để phục vụ cho công tác quản lý và giám sát TTCK tại UBCK.
Những hoạt động này cho thấy bước đầu các hành vi, hoạt động cũng như giao dịch trên TTCK được quản lý và giám sát ngày càng chặt chẽ hơn.