Cha mẹ cần nói 'không' với trẻ ở những vùng nguy hiểm, dễ gây thương tích
Sự nghiêm khắc không thừa
Anh Nguyễn Văn Hùng (Thanh Xuân Trung, Hà Nội) chia sẻ hai con trai nhà anh được cha mẹ giáo dục theo lối nghiêm khắc nên hai bé hầu như không bao giờ “nghịch dại”. Anh Hùng cho biết, bé lớn 6 tuổi, bé nhỏ 4 tuổi nhưng các cháu không bao giờ đi vào khu vực bếp, lấy kéo hay dao nghịch. Thậm chí, khu vực ổ điện các cháu chưa bao giờ dám sờ tay vào phích điện.
Theo anh Hùng, từ khi trẻ mới 1 tuổi nếu con lại gần ổ điện anh đã dạy con “khu vực nguy hiểm”. Nhiều lần trẻ đòi kéo để cắt dán nhưng anh nhìn thẳng vào mắt con và nói: Không.
Có lẽ vì nói với vẻ mặt nghiêm khắc, nhìn thẳng vào mắt chúng nên các con anh rất sợ bố, không dám nghịch những đồ vật sắc nhọn, hay ổ điện.
Nhiều lần nhìn con nhà hàng xóm nghịch dại anh Hùng cũng “sởn da gà”. Anh kể có cô bé con hàng xóm mới chỉ 4 tuổi nhưng thoải mái cầm dao tự bổ trái cây. Ba mẹ nghĩ rằng con giỏi nhưng thực tế lại rất nguy hiểm.
Thậm chí, anh thấy trẻ của nhiều gia đình cũng chơi dao, kéo mà cha mẹ không nghiêm cấm. Trẻ luôn có tính tò mò, thậm chí trẻ có thể học các trò chơi nguy hiểm trên mạng nếu cha mẹ không nghiêm khắc thì nguy cơ trẻ bị tai nạn rất lớn.
Nhiều người cho rằng anh Hùng quá nghiêm khắc nhưng với anh nghiêm khắc với con không bao giờ thừa. Đến hiện tại, con lớn học lớp 1 nhưng anh vẫn giáo dục con không được lôi kéo bạn bè chạy ở khu vực nguy hiểm như cầu thang, nhà vệ sinh, sân trơn trượt.
Khu vực xung quanh nhà anh cũng hướng dẫn con các vùng nguy hiểm để đảm bảo bé tự nhận thức được, tự bảo vệ mình.
Còn anh Đỗ Văn Dũng (Thành phố Thái Bình) có cách dạy con tránh tai nạn thương tích rất khác. Anh Dũng cho biết con trai anh rất hiếu động, cháu thích các trò chơi xếp lego, xếp hình mô phỏng xe ô tô. Nhiều lần bộ đồ chơi có cả thanh sắt nhỏ.
Cậu bé bắt chước ở trên mạng cũng thích dùng tuốc nơ vít để vặn. Mỗi lần như vậy, anh Dũng lại phạt con rất nặng. Tuốc nơ vít rất nguy hiểm chỉ cần trẻ cầm chơi ngã cũng có thể gây thương tích thậm chí em nhỏ có thể bắt chước cầm cắm vào ổ điện.
Cần nói 'không' với trẻ từ sớm
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tai nạn thương tích ở trẻ em có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong nhà. Ngay kể cả nhà bạn rộng hay hẹp đều có thể khiến trẻ gặp nạn.
Với bản tính trẻ thường hiếu động vì vậy ngay từ khi trẻ 1 tuổi cha mẹ cần biết dạy trẻ “không”. Ví dụ như không cho con ra cầu thang, không cho con ra gần lan can, không cho trẻ vào khu vực có ổ điện nguy hiểm, con không được chơi đồ chơi sắc nhọn.
BS Khanh cho rằng phòng tai nạn thương tích cho trẻ cha mẹ cần cấm đoán ngay khi trẻ nhận thức được “không”.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần sử dụng biện pháp an toàn như lưới an toàn, có lan can cao, các cũi ngăn cản cầu thang lên xuống.
Nếu thấy trẻ tới gần các khu vực nguy hiểm, cha mẹ cần nghiêm khắc với trẻ, nhắc nhở trẻ “không được tới gần”. Để việc giáo dục hiệt quá, bác sĩ Khanh cho rằng khi nói cha mẹ nên nhìn thẳng vào mắt trẻ và nhắc lại “Không” và có thể nhắc tới 3, 4 lần để trẻ nhận thức được.
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ nhỏ không biết gì nên mặc con. Thực tế, theo bác sĩ Khanh trẻ 10 tháng tuổi có thể nhận thức được từ “không – có” nên cha mẹ cần kiên trì giáo dục con theo cách nói “không”.
Bác sĩ Khanh cho biết nói không từ sớm, nói nhiều lần, nói liên tục sẽ giúp trẻ phân biệt được những gì chúng được chơi, chúng được tiếp xúc... giúp giảm nguy cơ rủi ro tai nạn thương tích cho trẻ.
BS Khanh nhấn mạnh việc xây dựng một môi trường an toàn ở chung quanh trẻ như để ngoài tầm tay với của trẻ tất cả những vật sắc nhọn có thể gây nguy hiểm gồm dao, kéo, dùi, đục, kim băng, đinh, các loại vũ khí súng, kiếm...; bao bọc các đầu mút sắc nhọn của các đồ vật, dụng cụ ở trong nhà, dựng hàng rào ngăn cách trẻ tới các chỗ nguy hiểm.
Khánh Chi