Câu chuyện có một không hai: Xóa mù chữ cho bà con dân tộc bằng ...hát karaoke
Đại úy Trịnh Tứ Thắng (áo xanh ở giữa - ảnh: Facebook nhân vật) |
Được biết, Đại úy Trịnh Tứ Thắng đã dành rất nhiều thời gian và công sức để xóa mù chữ cho đồng bào nơi đơn vị đại úy đóng quân. “Chứng kiến cảnh bà con mù chữ tôi thấy họ thiệt thòi quá. Bố mẹ mù chữ thì làm sao dạy được con, rồi đời những đứa trẻ lại tiếp tục đi lại vết xe đổ của bố mẹ là mù chữ và suốt cuộc đời sẽ sống khắc khổ, chẳng bao giờ được biết đến cuộc sống sung túc.
Bản mà đơn vị tôi đóng quân gần xã bạn Lào nên bà con nói tiếng Lào giỏi lắm còn tiếng Việt thì lại yếu hơn. Vận động được bà con học là cả một khó khăn lớn. Bởi lẽ, bà con đi lao động vất vả cả ngày quen rồi, nói đến việc học ai cũng ngại ngần, còn cả vấn đề thời gian nữa.
Mấy chục năm trong quân đội tôi đã tham gia dạy rất nhiều lớp xóa mù chữ cho bà con. Thế nhưng khó khăn lớn nhất là hết mù chữ một thời gian dài bà con không tiếp xúc với chữ nên lại quên hết không nhớ từ nào.
Trăn trở mãi với việc học chữ của bà con nên tôi đã có ý tưởng vận động bà con hát karaoke. Nói thật, học chữ thì bà con ngại chứ bảo hát karaoke ai cũng rất hào hứng tham gia.
Vấn đề là phải biết chữ thì mới có thể tham gia hát được. Thông qua việc hát, bà con có thể nhớ được mặt chữ đã học và có thể hướng dẫn nhau học một cách vui vẻ và hào hứng”.
Đại úy Trịnh Tứ Thắng (ảnh: Facebook nhân vật) |
Đại úy Trịnh Tứ Thắng cũng chia sẻ thêm: “Chính vì ý tưởng xóa mù chữ cho bà con bằng cách vận động bà con hát karaoke nên tôi cùng rất nhiều anh em tại đồn biên phòng Roòn đều quyên góp kinh phí để xây dựng trang thiết bị hát karaoke tại nhà sinh hoạt cho một số bản làng.
Khi tôi tham gia vận động nhận quyên góp để mua trang thiết bị hát karaoke cho bà con, nhiều người cũng từng hỏi tại sao không vận động ủng hộ quần áo, sách vở hay những vận dụng thiết thực khác chứ thiết bị karaoke thì “sang chảnh quá”.
Lúc ấy tôi đã cười và giải thích rằng, đúng là ở vùng khó khăn thì những đồ dùng thiết yếu ấy rất cần thiết. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bà con cần biết chữ để nâng cao dân trí, để hiểu biết hơn. Quan trọng hơn cả là lũ trẻ cũng cần biết chữ để…đổi đời.
Sau một thời gian áp dụng cách vận động bà con hát karaoke tôi thấy vấn đề chữ nghĩa của bà con được cải thiện hẳn”.
Ngoài là một người thầy giáo mang quân hàm xanh, đại úy Thắng còn được biết đến là người luôn hết mình với các hoạt động thiện nguyện cho bà con vùng khó khăn.
“Nhìn bà con đói rét, khổ sở tôi cứ cảm thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó. Vì thế, tôi đã thành lập nhóm thiện nguyện “Chung tay và sẻ chia” chủ yếu là để kết nối những mảnh đời bất hạnh, nhận ủng hộ quyên góp và chuyển đến những hoàn cảnh khó khăn”.