Câu chuyện buồn khi những người làm văn hóa lại cư xử kém... văn hóa
Nam danh hài chụp hình phản cảm bên tượng đài lịch sử
Nam danh hài đất Bắc thu hút sự chú ý của dư luận khi đăng tải bức ảnh chụp anh mặc quần đùi, áo thun thản nhiên đánh đu trên một tượng đài lịch sử, tại Hà Tĩnh. Bên dưới hình ảnh đăng tải, Hiệp gà (biệt danh của Dương Đức Hiệp-PV) không quên thêm dòng chú thích: “10 cô gái Đồng Lộc… đánh em”.
Nam danh hài chụp hình phản cảm bên tượng đài lịch sử |
Hành động thiếu ý thức và khó chấp nhận này của Hiệp gà đã gây ra sự phẫn nộ của dư luận. Sự việc không chỉ khiến cư dân mạng khó chịu mà còn buộc Cục Nghệ thuật biểu diễn phải can thiệp. Đơn vị này cho rằng, đây là một cách hành xử thiếu tôn trọng lịch sử và không thể chấp nhận được.
Qua tìm hiểu, nhiều khán giả vừa phẫn nộ cho hành vi phản cảm của nam nghệ sĩ và cũng vừa buồn cho kiến thức nông cạn, sự suy nghĩ có giới hạn của anh. Cụ thể, bức tượng mà Hiệp gà đánh đu không phải là tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc như diễn viên sinh năm 1977 nhầm tưởng, mà là tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh tại ngã ba Nghèn, cũng thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Khi người làm văn hóa lại hành xử thiếu văn hóa
Ở một diễn biến khác, công chúng mới đây cũng được một phen choáng váng với màn thể hiện “bày tỏ quá nhiều cảm xúc” của một vị đạo diễn trong vấn đề tranh chấp bản quyền với công ty Tuần Châu Hà Nội. Điểm đáng chú ý là cách cư xử của một nghệ sĩ với đứa con tinh thần của mình và với nghệ thuật.
Đạo diễn Việt Tú trong phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội ngày 30/3. |
Nói về vấn đề nêu trên, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: "Nghệ sĩ cũng có tiền, nên người đầu tư nhiều tiền không phải cái tội. Nghệ sĩ cũng có công ty, nên không phải lo chuyện nghệ sĩ đơn phương độc mã chống lại tập đoàn".
Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khảng khái nói: "Nghệ sĩ kí hợp đồng nhận đủ thù lao như thỏa thuận, nên không sợ chuyện ai quỵt tiền của ai. Sáng tạo là một cách gọi.
Chính vì vậy, tác phẩm cũng là một cách gọi. Đặt hàng cũng là cách gọi. Dự án kinh doanh ăn chia cũng là cách gọi. Ở các góc độ khác nhau muốn cảm tính thế nào thì cảm tính nhưng đừng cứ nhất định đã nghệ sĩ là cao quý và còn lại thì con buôn mạt hạng xấu xa”.
Bên cạnh đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng nhấn mạnh, vấn đề của sự việc này nằm ở chỗ công ty của đạo diễn đã đi đăng ký bản quyền tác phẩm mà trong hợp đồng ký với công ty đầu tư tác phẩm đó đã được coi là tài sản hợp pháp của nhà đầu tư.
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thực cảnh với ao ước đưa sân khấu ra thiên nhiên không phải sáng tạo của cả nghệ sĩ lẫn nhà đầu tư. “Những mốc thời gian cả hai bên đưa ra đều nhằm mục đích “làm đẹp hồ sơ” của mỗi bên.
Thực tế, khi còn hợp tác với nhau, họ đã cùng sang Trung Quốc để xem các vở diễn sân khấu thực cảnh. Cả nghệ sĩ và nhà đầu tư cũng đều có những tính toán cụ thể về bài toán sinh lợi từ sân khấu thực cảnh và cách kinh doanh văn hóa dân gian”.
Nữ đạo diễn cho rằng dù kết quả được tòa tuyên án thế nào, thì cả Tuần Châu và đạo diễn cùng công chúng đều có những mất mát.
“Vở diễn “Ngày xưa” mất. “Tinh Hoa Bắc Bộ” mất. Và mình, chúng mình cũng mất nhiều đấy, chẳng ít đâu. Những điều mình tin, chúng mình tin, hóa ra bị dẫm bẹp lâu rồi!”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ.
Cũng theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, những ồn ào xoay quanh vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn “Ngày xưa” chưa kết thúc mặc dù đã có phán quyết từ tòa án.
Tuy nhiên, qua vụ việc có thể nhận thấy một điểm sáng đó là, trong bối cảnh nền điện ảnh nước nhà vốn quen cảnh “bao cấp”, sống lay lắt theo đơn đặt hàng thì đã có đơn vị tư nhân bỏ ra số tiền lớn, chấp nhận rủi ro để đầu tư vào nghệ thuật.
Nhưng đổi lại, chính những người sáng tạo nghệ thuật, người làm văn hóa lại chưa biết trân trọng điều đó. Ngược lại, sự tham lam của họ khiến nhà đầu tư mất niềm tin, khiến tác phẩm trở nên méo mó. Một người làm văn hóa mà cách hành xử lại thiếu văn hóa thì đó thực sự là một câu chuyện đáng buồn.