Cậu bé có IQ 210, cao hơn cả Albert Einstein: 30 năm sau lại có lựa chọn bất ngờ
Với Kim, hào quang ngày xưa, với IQ 210 giống như một gánh nặng. Giờ đây, ông hạnh phúc hơn bao giờ hết khi được tự do, được sống của chính mình mà không phải gồng lên theo mong muốn của bất kỳ ai.
Kim Ung Yong (SN 1962) là một trong những thần đồng nổi tiếng nhất thế giới. Ông có IQ cao đến kinh ngạc: 210 - cao hơn cả hai nhà bác học vĩ đại Albert Einstein và Stephen Hawking. Ngay từ năm 3 tuổi, Kim đã được những thành tựu mà người thường không tài nào tưởng tượng nổi. Tuy nhiên chính trí tuệ thần đồng lại gián tiếp đẩy ông vào cuộc sống bi đát.
Thần đồng được NASA mời về làm việc khi mới 8 tuổi
Kim Ung Yong sinh ngày 8/3/1962 tại Seoul, Hàn Quốc. Cả bố và mẹ của ông đều là những giáo sư đại học. Ngay từ khi còn nhỏ, Kim đã bộc lộ trí tuệ vượt trội của mình. Chưa đầy 12 tháng tuổi, ông đã biết nói, 2 tuổi đọc được tiếng Hàn, Nhật, Đức và Anh. 3 tuổi, Kim thông thạo Vật lý một cách siêu phàm và nhớ được khoảng hơn 2.000 từ vựng tiếng Anh và Đức ở tuổi lên 4.
Năm 4 tuổi, ông được làm bài kiểm tra IQ cho trẻ 7 tuổi và đạt tới 210 điểm. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang nô đùa, tranh giành nhau những chiếc kẹo thì tên tuổi của Kim đã phủ sóng khắp các mặt báo, bản tin thời sự. Kim Ung Yong khi ấy khiến giới khoa học kinh ngạc bởi khả năng làm toán thần sầu của mình.
Năm 8 tuổi, Kim Ung Yong được NASA mời sang Mỹ để làm việc. Năm 9 tuổi, ông có trong tay tấm bằng tiến sĩ Đại học bang Colorado.
Quyết định về nước sau 10 năm làm việc cho NASA
Sau 10 năm làm việc cho NASA, Kim Ung Yong quyết định nghỉ việc và trở về Hàn Quốc sinh sống. Lý do là bởi ông nhớ gia đình, bố mẹ và cả tuổi thơ đã bị "đánh cắp" của mình. Thần đồng có chỉ số IQ cao nhất thế giới chia sẻ: "Thời gian ở NASA, tôi sống như một cái máy. Hàng ngày, tôi thức dậy rồi bắt tay vào việc giải các phương trình được giao rồi ăn, ngủ. Cứ thế lặp đi lặp lại như 1 vòng tuần hoàn. Lúc đó, tôi thật sự không biết mình đang làm gì, tôi rất cô đơn và không có lấy một người bạn". Thần đồng cũng cho biết, ông muốn được sống gần với mẹ.
Sự trở về của Kim Ung Yong lập tức thu hút sự chú ý của báo chí và người dân trong nước. Thời điểm ấy, ông trở thành tiêu điểm trên mọi mặt báo, bị săm soi đời tư quá mức.
Nói về điều này, Kim Ung Yong từng chia sẻ: "Tôi phát ốm và mệt mỏi khi lại trở thành tâm điểm. Tôi cảm thấy mình giống như một con khỉ trong vườn thú. Khi ấy chưa có Twitter hay phần mềm chat Yahoo nên báo giấy vẫn quyền lực hơn cả. Tôi đoán một số người thậm chí còn bắt đầu bảo tôi là tâm thần phân liệt. Tôi không muốn ai chú ý đến mình cả".
Để có công việc ổn định ở Hàn Quốc, Kim Ung Yong cần phải có bằng cấp. Vậy là thần đồng này bắt đầu học lại từ cấp tiểu học, cơ sở, trung học và có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trong thời gian chưa đầy 1 năm. Được biết, ông đã học đại học tại một trường ở ngoại ô thành phố Seoul để tránh bị chú ý.
Khi Kim trở về nước, người dân Hàn Quốc cho rằng ông phải trở thành một chính trị gia tầm cỡ hay ít nhất cũng phải làm việc cho một tập đoàn lớn. Tuy nhiên trái với kỳ vọng của mọi người, Kim học trường ít danh tiếng và là nhân viên công ty bình thường. Không ít người khi đó đã cười nhạo, chỉ trích Kim Ung Yong là "thần đồng thất bại".
Tuy nhiên mặc những ý kiến tiêu cực của người đời, Kim vẫn sống vui vẻ và hài lòng hơn bao giờ hết với cuộc sống bình thường, yên ả của mình. Trong quá khứ, Kim Ung Yong cảm thấy cuộc sống của mình quá vội vã. Sự tâng bốc quá mức của truyền thông khiến ông nghĩ mình đang sống đúng hướng. Nhưng một khi ngừng lại, cũng chính truyền thông là người chỉ trích ông nhiều nhất. Dường như họ bắt ông phải sống theo kỳ vọng, mong muốn của họ.
Đáp lại những ồn ảo, Kim Ung Yong chỉ bình thản trả lời: "Mọi người muốn tôi trở thành chính trị gia hay ít nhất cũng làm việc cho một công ty lớn. Tôi không nghĩ mọi người có quyền gọi cuộc đời tôi là sự thất bại chỉ vì tôi không sống như họ mong muốn.
Mọi người đã quá đặt nặng chỉ số IQ. Xã hội không nên đánh giá con người bằng tiêu chuẩn đơn lẻ như vậy bởi mỗi người đều có tài năng, đẳng cấp, hy vọng và ước mơ của riêng mình. Chúng ta nên tôn trọng điều đó. Tôi cố gắng nói với mọi người rằng tôi hạnh phúc với con đường mình chọn. Tại sao mọi người lại gọi niềm hạnh phúc của tôi là một sự thất bại?".
Với Kim, hào quang ngày xưa giống như một gánh nặng. Giờ đây, ông hạnh phúc hơn bao giờ hết khi được tự do, được sống là chính mình mà không phải gồng lên theo mong muốn của bất kỳ ai. Không nhiều người làm những thứ mà họ thực sự muốn làm, nhưng Kim thì có.
Được biết vào năm 2014, Kim Ung Yong trở thành giáo sư tại Đại học Shinhan ở tỉnh Gyeonggi. Ngoài ra, ông còn là giảng viên bán thời gian của nhiều đại học danh tiếng, trong đó có Yonsei, Sunkyunkwan và KAIST. "Tôi rất phấn khích khi dạy tại trường đại học, công việc từ lâu đã là giấc mơ của tôi. Tôi sẽ cống hiến hết mình để truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau", Kim cho biết.
Câu chuyện cuộc đời Kim Ung Yong đã nhận được rất nhiều sự cảm thông của cộng đồng mạng Hàn Quốc. Trên một số cổng thông tin của "xứ sở kim chi" như Naver, Nate,... rất đông ý kiến bày tỏ sự ủng hộ thần đồng này. "Ông ấy không thất bại mà thành công hơn bao giờ hết khi tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống", một người dùng mạng bày tỏ.
Trí thông minh chưa chắc đã đem lại hạnh phúc
Một loạt nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý và điều chỉnh hành vi trẻ em Mỹ đã khẳng định rằng, trí thông minh siêu đẳng của các thần đồng đôi khi trở thành vật cản. Nhiều người có chỉ số IQ cao nhưng trí tuệ cảm xúc không song hành, nhiều trường hợp thậm chí thấp hơn so với độ tuổi trung bình và tâm lý bất thường. Trong thế giới thực, điểm số, độ tuổi nhiều khi ít quan trọng và trí tuệ cảm xúc mới tạo nên sự thành công.
Bên cạnh đó, nhiều thần đồng chỉ được đào tạo, chú trọng vào việc học mà không được rèn luyện các kỹ năng sống, các kỹ năng cảm xúc. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt vốn sống nghiêm trọng. Ngoài ra, những thần đồng thường chịu quá nhiều áp lực từ cả phía gia đình và xã hội.
Nhiều trường hợp không được sống theo mong muốn mà phải cố gồng mình để đáp ứng những kỳ vọng của mọi người xung quanh. Về lâu về dài, họ chịu những ảnh hưởng về mặt tinh thần, luôn cảm thấy khó chịu, bức bối và không thực sự hạnh phúc.
Các thần đồng nói riêng và trẻ em nói chung đều là những hạt giống. Muốn lớn lên thành cây to, hạt giống cần trải qua quá trình đơm chồi, nảy lộc, được tưới nước, tắm nắng mỗi ngày. Việc bắt hạt giống chín ép đôi khi sẽ gây ra những hậu quả đau lòng.
Theo phunuvietnam.vn