Cấp mã số công dân, còn nhiều băn khoăn
Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Phương – Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội có ý kiến: Theo đề án, trẻ em mới sinh ra sẽ được cấp mã số định danh cùng với việc cấp Giấy khai sinh.Tuy nhiên, trẻ em sinh ra chưa phát sinh giao dịch, trừ việc cấp Giấy khai sinh. Các giao dịch của một công dân phát sinh nhiều khi từ 14 tuổi trở lên. Do vậy, việc cấp mã số định danh cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với nhu cầu giao dịch của từng đối tượng.
![]() |
Hội thảo “Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư” do Bộ Tư pháp tổ chức |
Đại tá Vũ Xuân Dương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký, Quản lý cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an cho rằng: Nghị định 90/2010/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, Ban, ngành với 22 trường dữ liệu về thông tin của một cá nhân. Do vậy, nếu cần các Bộ, ngành có thể bổ sung trường dữ liệu của Bộ, ngành mình vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư này. Khi thu thập giữ liệu quốc gia về dân cư nên đánh số định danh luôn, số đó là số CMND.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lại cho rằng, ngoài việc cấp Giấy khai sinh, trẻ em sinh ra đã có giao dịch hành chính như cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế nên việc cấp mã số định danh từ khi mới sinh ra là cần thiết. Với việc quản lý bảo hiểm của 60 triệu công dân, ngành Bảo hiểm rất cần sự đánh số định danh nhanh để ngành căn cứ vào đó xây dựng dữ liệu của mình.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến thắc mắc khác được đưa ra như: Các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài sẽ được đánh số định danh như thế nào? Các Bộ, ngành, địa phương được kết nối, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu như thế nào? Chế độ bảo mật thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu? …
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định tính hiệu quả, khả thi của đề án; đồng thời ghi nhận những băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu trình Ban chỉ đạo xây dựng đề án xem xét.