Càng ngại chia sẻ, càng cô đơn
Khi xây thêm những bức tường, là khi người lớn càng cô đơn...
“Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm/ Nhiều khi ta muốn ta được bé lại/ Để khi đi trốn có người đi tìm”, trong các ý kiến gửi đến báo Phụ Nữ Online, nhiều người chia sẻ rằng câu hát trên khiến họ rơi nước mắt, dù nghe đi nghe lại nhiều lần. Nỗi cô đơn của người trưởng thành muôn vẻ. Không chỉ thèm trở về tuổi thơ ngây bên mẹ cha, mà còn những cảm giác chênh vênh, đơn độc khi vào đời, khi đối mặt với thất bại, khi mất tình yêu, khi đổ vỡ gia đình, khi suy sụp niềm tin, khi lạc lõng giữa đám đông... |
Viết về nỗi cô đơn, trước ca khúc "Trốn tìm" của nghệ sĩ Đen Vâu, từng có rất nhiều nhạc phẩm làm người nghe day dứt.
Còn nhớ, thời điểm khoảng 5 năm về trước, lúc ca khúc "Khi người lớn cô đơn" của Phạm Hồng Phước ra mắt, một sớm ngủ dậy tôi giật mình vì trên Facebook hiện lên hàng chục dòng trạng thái na ná.
Ảnh minh họa |
Những người bạn trẻ tuổi của tôi, họ tốt nghiệp ra trường, sau vài ba năm bôn ba mưu sinh, lập gia đình sinh con đẻ cái ở bốn phương trời. Trở thành những người có điều kiện công việc, gia đình, tài chính, sức khỏe khác nhau, nhưng tâm trạng của họ hầu như đều gặp nhau ở một điểm: sự cô đơn, mệt mỏi và lạc lõng giữa chốn đông người.
Tôi tin rằng, trong kho từ vựng của trẻ em không có từ “cô đơn”. Những đứa trẻ có lúc buồn, đau, tức giận... nhưng cô đơn thì không. Bởi cô đơn là một khái niệm phức tạp, não trạng trong sáng và đơn giản của trẻ nhỏ rất khó để tiếp nhận, đọc hiểu. Vậy nên, tôi nghĩ chỉ người lớn mới cô đơn.
Cô đơn thường có nhiều nguyên nhân. Cô đơn vì sống một mình, làm việc một mình. Cô đơn vì giữa đám đông nhưng không ai thấu hiểu. Cô đơn vì mất niềm tin vào các mối quan hệ xung quanh. Cô đơn vì bản thân mình ngại chia sẻ.
Có kiểu cô đơn rất buồn. Loại cô đơn khác thì không buồn quá, mà lại giúp con người lớn lên và tạo nên những giá trị mới,...
Tuần trước, khi đọc dòng trạng thái của một người bạn trên Facebook, tôi sững sờ, tim thắt nghẹn. Gia đình cô ấy lại gặp chuyện không may. Trong thời gian chưa đầy nửa năm, người phụ nữ ấy chịu đớn đau khuỵu ngã đến hai lần.
Lúc ấy, dù đã nửa đêm, nhưng chỉ sau hơn 1 tiếng dòng tâm sự được chia sẻ, có gần trăm người vào bình luận. Những dòng "thương em", " cố lên nhé" liên tục được cập nhật.
Tôi chần chừ không biết viết gì. Liệu có lời động viên nào đủ sức nặng để xoa dịu được nỗi đau khủng khiếp? Cuối cùng tôi chọn im lặng.
Sáng hôm sau khi ngủ dậy, tôi định vào đọc lại bài của bạn lần nữa thì thấy cô đã xóa bài đăng. Tôi mạnh dạn nhắn tin hỏi thăm: "Chúng ta mới nói chuyện cách đây một tháng, tôi tưởng mọi chuyện ổn rồi. Sao không nói với tôi lời nào. Cứ gọi cho tôi mà khóc chứ!".
"Tôi đọc Facebook bà hàng ngày, thấy dạo này bà bị dí "deadline" rồi con cái này nọ, tôi không muốn bà túng bấn thời gian thêm", cô ấy trả lời.
Vậy đó, cô đơn không chỉ là lúc ta ngần ngại nói ra vấn đề của mình mà còn khủng khiếp hơn khi ta không thể chia sẻ với ai và luôn sợ làm phiền người khác.
Tôi tự nhủ, bọn trẻ nít đâu vậy. Chúng đói thì đòi ăn, khát thì đòi uống, ngứa đâu lại nhờ mẹ gãi. Cha mẹ bận thì chúng tìm ông bà, nhờ chú thím. Vì sức chịu đựng không tốt nên chúng luôn có nhu cầu tìm người chăm lo.
Những người lớn vô tư có tâm hồn trẻ thơ chắc cũng như những đứa trẻ to xác. Đó là những người vừa mang đến sự phiền phức nhưng họ cũng đầy dễ thương, trong trẻo.
Ở bên họ, ta bận rộn hơn, mệt mỏi hơn, nhưng cũng học được những bài học quý giá về sự tương tác, nhận - cho. Mà cuộc đời này, ngoài niềm vui từ việc nhận lại thì cho đi cũng là một hành vi giúp lan tỏa những sức mạnh diệu kỳ.
Xã hội càng hiện đại và càng tôn trọng quyền tự do cá nhân thì con người càng dễ cô đơn. Và tôi, đôi khi có sự so sánh thật buồn cười. Cô đơn trong xã hội hiện đại cũng như những cơn ngập nước ở Hà Nội hoặc Sài Gòn. Vì dễ ngập, mưa một trận to là ngập, ngập triền miên, ngập mãn tính nên người dân cũng có cách để sống chung với ngập.
Người trẻ với cô đơn cũng vậy, vì không thể dứt điểm, vì không muốn bỏ hết công sức để chiến đấu và nói không với cô đơn, vì đôi khi sống với cô đơn cũng dễ chịu nên họ sẽ sống chung với nó. Cùng lắm, thì các bạn sẽ chọn đi du lịch check in sống ảo, bức bí thì giật tít câu like, lành mạnh hơn thì tìm đến những dòng sách truyện self - help luôn luôn sẵn sàng trên kệ, những dòng sách không hề kén bạn đọc vì ai đọc cũng ít nhiều thấy dáng hình mình trong đó.
Hôm vừa rồi, có một người bạn báo sắp xây nhà. Dịch giã nên hai vợ chồng nghỉ việc, dồn hết vốn liếng về quê làm lại từ đầu. Bạn bảo: "Cậu có chồng làm trong nghề kiến trúc thì tư vấn giúp mẫu nhà nào vừa tiện ích vừa hợp túi tiền".
Tôi nói, khí hậu đang ngày càng nóng lên, ở quê có nhiều đất thì nên tham khảo mẫu nhà ba gian truyền thống. Bữa nay có nhiều người ở phố về quê họ cũng theo xu hướng này. Chưa nghe hết câu, bạn đáp: “Không, nếu là nhà ba gian, tớ thà xây nhà ống, mỗi người một phòng cho nó riêng tư, độc lập, tự do”.
Tôi bảo, được cái này, mất cái kia. Vậy thì gia đình ít tương tác chia sẻ, con cái thiếu tình thân. Bạn chốt: "Gia đình tớ thiếu từ lâu rồi!".
Vậy đó, khi xây thêm những bức tường là khi người lớn càng cô đơn.
Theo phunuonline.com.vn