Cần thiết xây dựng Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP
Từ những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP, cần thiết phải hình thành lên một Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP.
Tại Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đại diện Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến góp ý về việc xây dựng Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP.
Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu, triển lãm các sản phẩm OCOP của cả nước. Ảnh: Mạnh Hùng |
Theo đại diện Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, sau 7 năm triển khai tại Quảng Ninh và hơn 2 năm nhân rộng mô hình ra toàn quốc, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chương trình OCOP đã và đang dần khẳng định vai trò là “bà đỡ” cho quá trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể.
Chương trình OCOP đã phát huy được các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập đã và đang tạo ra những rào cản cần tập trung tháo gỡ để Chương trình OCOP tiếp tục phát triển trọng tâm.
Đại diện Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết, lực lượng tư vấn, hướng dẫn phát triển sản phẩm, phát triển tổ chức chủ yếu hiện nay là đội ngũ cán bộ phòng nông nghiệp, phòng kinh tế và một số cán bộ OCOP cấp tỉnh, tuy nhiên lực lượng này chủ yếu là kiêm nhiệm, mặt khác lại thường xuyên luân chuyển nên cán bộ mới hạn chế về kiến thức, năng lực. Hiện một số tỉnh, thành đã xuất hiện lực lượng tư vấn về OCOP thông qua, một số trường đại học, hoặc một số doanh nghiệp tư vấn về truyền thông, quảng cáo..., song lực lượng này chưa có quy chế quản lý, chưa được đào tạo tập huấn, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề nên việc tư vấn phát triển sản phẩm, phát triển tổ chức chưa có sự thống nhất...
Công tác nghiên cứu khoa học có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra các ý tưởng về phát triển sản phẩm mới dựa trên các sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, những năm qua việc tư vấn, hỗ trợ phát triển các ý tưởng mới chưa nhiều, sản phẩm phát triển vẫn dựa trên sản phẩm đã có.
Công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đang gặp một số khó khăn như: Hệ thống điểm giới thiệu và bán sản phẩm phát triển chậm, chưa có quy chế, quy định về quản lý; chưa có một trung tâm điều phối sản phẩm chung nên việc kết nối tiêu thụ khó khăn...
Từ những khó khăn, hạn chế trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP cho thấy sự cần thiết phải hình thành lên một Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo có chức năng tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế, kinh doanh và khởi nghiệp dựa trên sản phẩm OCOP.
Trung tâm sẽ là nơi nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất các chính sách phục vụ hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của người dân và doanh nghiệp trong quá trình đăng ký ý tưởng tham gia Chương trình OCOP. Tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị, hỗ trợ xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm. Tư vấn, hỗ trợ từ khâu xây dựng hồ sơ đăng ký ý tưởng, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học, công nghệ, máy móc thiết bị, thiết kế bao bì tem nhãn sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, công bố tiêu chuẩn chất lượng, đến việc hỗ trợ xây dựng hồ sơ thi đánh giá phân hạng, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kết nối các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất; xây dựng hồ sơ tiếp cận các cơ chế chính sách của nhà nước; là nơi trưng bày, giới thiệu, triển lãm các sản phẩm OCOP của cả nước...
Về mô hình quản lý, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần xác định rõ mọi hoạt động của Trung tâm phải lấy cộng đồng làm trọng tâm, do cộng đồng và vì cộng đồng, do đó để trung tâm hoạt động có hiệu quả bền vững cần có một mô hình thích hợp. Trung tâm vừa có vai trò hỗ trợ cộng đồng, nhưng đồng thời cũng phải có lợi nhuận để tái đầu tư phát triển.
Trung tâm xây dựng khung bộ máy quản lý là những người có năng lực, có chuyên môn sâu trên các lĩnh vực, đồng thời kết nối các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, xây dựng nhóm chuyên gia, kết nối đối tác trên cả nước là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Cơ sở vật chất trung tâm nên bố trí riêng tại khu vực trung tâm, nếu có thể gắn với Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Mạnh Hùng