Cần sáng tạo hơn trong việc cổ phần hóa DNNN
Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa các DNNN vẫn diễn ra chậm là bởi không phải doanh nghiệp nào cũng tốt và cũng lớn, trong khi 68% DNNN tham gia cổ phần hóa là những doanh nghiệp nhỏ, mang tính địa phương. Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Công ty StoxPlus cho rằng sẽ không thể thực hiện thành công việc cổ phần hóa các DNNN nếu vẫn giữ phương thức cũ. Thay vào đó, cần có cách làm sáng tạo hơn, chẳng hạn như DNNN có thể không cần bán toàn bộ vốn, thay vào đó cần xé nhỏ tài sản ra để bán.
“Chúng tôi tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ cho biết không muốn mua cả doanh nghiệp, họ chỉ quan tâm đến việc mua lại nợ của doanh nghiệp mà thôi. Vậy tại sao chúng ta không xé nhỏ tài sản ra để bán?”, ông Thuân nói.
Một trong những lý do dẫn đến việc chậm cổ phần hóa, theo ông Thuân, là các doanh nghiệp được cổ phần hóa chưa đưa ra những chiến lược, thông tin niêm yết rõ ràng hay môi trường xung quanh thông tin yếu, trong khi điều nhà đầu tư cần là việc minh bạch hóa thông tin niêm yết.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT& Partnes, với cách định giá theo tài sản hiện tại là bản thân người bán – chủ doanh nghiệp cổ phần tự định giá trị doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, nếu nhìn theo cách nhìn kinh tế luật thực tế phải là người mua định giá mới là phù hợp và chính xác.
“Bây giờ, để người mua định giá thì phải tiến hành đấu giá, tuy nhiên, các DN hiện nay đang cổ phần hóa thành ra quên mất mục tiêu của mình.Thực chất chúng ta bán tài sản hoặc cho thuê tài sản không liên quan đến cổ phần, cổ phiếu nhưng chúng ta lại đang nhốt chung vào cổ phần hóa. Do đó, chúng ta phải hiểu bản chất vấn đề là tư nhân hóa, gồm cả bán cổ phần và bán tài sản, dùng chung 1 quy trình 8 bước. Phần xác định giá trị và khoản nợ vẫn theo định giá hiện tại chứ không phải theo định giá đồng tiền tương lai,” Luật sư Lê Nết nói.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, một số rào cản chính làm cản trở quá trình cổ phần hoá là áp dụng chuẩn mực trong nước mà chưa áp dụng chuẩn mục quốc tế cho công việc định giá. Chính điều này đã làm cho nhà đầu tư không tin tưởng vào việc định giá của DN đưa ra. Ngoài ra, chất lượng thông tin đưa ra cho nhà đầu tư trong quá trình định giá chưa đầy đủ. Ngoài những thông tin về báo cáo tài chính, nhà đầu tư đòi hỏi phải có thông tin về pháp lý thậm chí là cả thông tin về phi tài chính cũng phải minh bạch. Do đó, niềm tin của nhà đầu tư thực sự với mức giá DN đưa ra chưa làm họ tin tưởng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, khâu định giá DN quá lâu, quá chậm có thể làm mất cơ hội của DN tại thời điểm đó. Hơn nữa, cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ quá cao, tới 60% sau cổ phần thì rõ ràng nhà đầu tư khó có thể mặn mà.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho rằng cần tạo được sự yên tâm và hấp dẫn nhà đầu tư. Trong đó, các phương pháp định giá cần mở rộng, cách thức làm cần đạt được chuẩn mực quốc tế, tư vấn phải gắn với hiệu quả khi mà cổ phần hóa và bán vốn nhà nước, đó là những điều cần thay đổi.