Cần lắm những phiên chợ “thuần Việt về vùng nông thôn”
Bạc Liêu và những thương hiệu thân thương
Những chuyến tàu đánh bắt xa bờ hứa hẹn mang về trữ lượng cá biển khá khẩm. Nhưng khoản bội thu đó cũng chỉ đủ cho mỗi gia đình chừng 4 nhân khẩu chi tiêu trong 1 tháng, hoặc hơn thì chừng 1 tháng 15 ngày. Cuộc sống ngư dân khó khăn, thu nhập phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cũng vì lẽ đó, từ lâu, hàng Việt bền và giá hợp lý là tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người dân bản địa.
Giữa cái nắng oi bức của vùng biển, chị Nguyễn Thị Diễm Xuân (ngụ thị trấn Gành Hào) tay trái ôm giỏ nhựa, thau nhựa Duy Thành, tay phải ôm vài gói bột từ công ty Vĩnh Thuận. Chị nói nhà mình luôn chú trọng hàng Việt bởi giá mềm và tốt. Lần trước, phiên chợ về đây, chị đã mua vài món hàng, sau đó thấy tiếc hùi hụi vì không mua nhiều hơn. “Lần này, nghe tin phiên chợ về lại thị trấn, tôi rủ cả gia đình và hàng xóm đến mua” – chị nói.
Những sản phẩm cháy hàng trong phiên Bạc Liêu là những mặt hàng gia dụng quen thuộc như tủ nhựa Tabi Duy Tân, xá xị Chương Dương. Một số mặt hàng còn mới ở thị trường này cũng tạo nên sức hút như thực phẩm đông lạnh Hải Lộc với sản phẩm cồi sò điệp hoặc cá trứng…
Phiên chợ không chỉ dừng lại ở những người tiêu dùng tại thị trấn Gành Hào, mà hơn thế, sức hút từ tên tuổi phiên chợ đã lan sang tỉnh khác, lôi cuốn người tiêu dùng. Tại phiên chợ, một nhóm các chị khệ nệ bưng bê nào là bột Vĩnh Thuận, nào là bếp ga Namilux, bình lọc nước của Happycook… Vẻ mặt ai cũng hớn hở. Chị Nguyễn Thị Mai Nhi (32 tuổi – tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Tôi sống ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cách Gành Hào một con sông lớn. Khi nghe tin có phiên chợ hàng Việt về thị trấn bên sông, tôi rất háo hức rủ một số chị em quen biết cùng mua sắm dịp này, cũng phần nào chuẩn bị cho tết”.
Một thị trường đầy tiềm năng ở Sóc Trăng
Khác với Gành Hào, thị trấn Đại Ngãi là một trong những nơi độ phủ hàng Việt chưa nhiều. Đó cũng là lý do chính khi phiên chợ hàng Việt về nông thôn quyết định có mặt tại đây. Thị trấn Đại Ngãi mới được thành lập tháng 08/2011, diện tích 10km2, thuộc huyện Long Phú, cách thành phố Sóc Trăng 35km, dân số khoảng 15.000 người. Sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, nuôi cá, trồng lúa và vườn cây ăn trái dọc sông Hậu. Đời sống nông dân vùng sông nước này cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi khí hậu.
Mặt hàng Việt có tại vùng này không cao, chủ yếu là thực phẩm của Vĩnh Thuận, sữa Vinamilk, mỳ ăn liền Miliket… Khi kinh tế chưa phát triển, người dân cũng không mặn mà với việc mua sắm, chi tiêu. Những mặt hàng gia dụng giá mềm như thực phẩm, gia dụng được bà con chú trọng nhiều hơn là các sản phẩm chăm sóc đời sống cao cấp như điện máy, thời trang. Chính vì vậy, khi đến với không khí của phiên chợ tại Đại Ngãi, những gian hàng thu hút người tiêu dùng vẫn chỉ gói gọn trong khuôn khổ ngành hàng thực phẩm.
Mặt khác, phiên chợ lại thổi luồng gió mới về vùng nông thôn xa xôi này. Hầu hết bà con đều hào hứng với phiên chợ. Dù không mua sắm nhiều, nhưng họ đều dành ít thời gian để tìm hiểu các mặt hàng được bày bán. Anh Nguyễn Hữu Hiền (nông dân tại thị trấn Đại Ngãi) sau khi tham quan một vòng đã chia sẻ, anh biết nhiều sản phẩm hàng Việt hơn. “Tôi thấy hàng Việt bây giờ mẫu mã đẹp mà giá cũng rẻ nữa, sau đợt này tôi sẽ tìm mua các sản phẩm ưa thích bán ở Đại Ngãi” – anh Hiền cho biết.
Anh Trịnh Hoàng Hải – đại diện công ty TNHH hóa mỹ phẩm Quốc tế chia sẻ: “Qua bước đầu tiếp cận, đây cũng không hẳn là một thị trường khó khăn. Nếu doanh nghiệp chịu khó thời gian đầu, ắt hẳn sẽ xây dựng tốt độ phủ hàng”.
Theo kế hoạch của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, phấn đấu đến 2015 đưa thị trấn Đại Ngãi và Long Phú phát triển thành đô thị loại 4. Đại Ngãi đang thu hút đầu tư từ nhiều dự án thương mại dịch vụ trong đó có khu công nghiệp Đại Ngãi rộng 80 ha.
Lần đầu tiên, 2 phiên chợ diễn ra liên tiếp trong cùng một tuần ở 2 tỉnh khác nhau. Đối với Bạc Liêu, phiên chợ là nơi khẳng định thương hiệu và chất lượng. Còn về với vùng Sóc Trăng, phiên chợ như luồng gió mới tạo nên tên tuổi hứa hẹn sẽ sánh vai lâu dài cùng người tiêu dùng địa phương.
Có lẽ, chưa bao giờ như lúc này, hàng nhái – hàng giả trôi nổi một cách không thể kiểm soát được. Những người nông dân thật thà, chất phác luôn đứng trước nguy cơ từ tác hại của hàng kém chất lượng gây nên. Những phiên chợ thuần Việt sẽ tiếp tục lèo lái đưa con tàu hàng Việt về với bà con vùng nông thôn, cùng với đó là việc mở rộng độ phủ của của doanh nghiệp, khuyến khích người dân nông thôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam.