Cần có Luật Bảo vệ môi trường biển
Đó là đề xuất của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, môi trường biển không chỉ bao gồm các hợp phần lý, hoá, sinh vật và trầm tích của các vùng biển, vùng ven biển (nước lợ) và trên hải đảo, mà còn gồm các giá trị sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, các chất thải bổ sung và phương tiện nhận chìm bất hợp pháp trong các vùng biển và hải đảo nói trên. Môi trường biển luôn biến động và tác động phân tán nhanh do các hoạt động của sóng, thủy chiều và dòng chảy biển. Chất lượng môi trường biển không được kiểm soát hiệu quả sẽ tác động xấu tới toàn bộ hoạt động phát triển biển.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Để quản lý môi trường biển, Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, như: Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi năm 2000, quy định ngay tại Điều 5 rằng các chủ thể tham gia hoạt động dầu khí phải có đề án bảo vệ môi trường và các biện pháp ngăn ngừa bảo vệ môi trường. Nghị định số 48/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí đã quy định rõ rằng hơn các chủ thể hoạt động dầu khí phải có các tài liệu gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Chương trình quản lý an toàn và đánh giá mức độ rủi ro kèm theo các biện pháp hạn chế sự cố và thiệt hại; Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp các sự cố bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật và việc sử dụng các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố.
Luật Thuỷ sản năm 2003 tại khoản 1 Điều 7 cũng đã quy định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia khai thác nguồn lợi thuỷ sản là bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản.
Luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 tại Mục 5 quy định về vấn đề “An toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường”.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 quy định tại mục 1 Chương VII về vấn đề bảo vệ môi trường biển (từ Điều 55 đến Điều 58), bao gồm: Nguyên tắc bảo vệ môi trường biển; Bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên biển; Kiểm soát xử lý ô nhiễm môi trường biển.
Tuy nhiên, các quy định này không bao quát hết các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực môi trường biển. Hiện nay, nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh trong lĩnh vực này chưa được pháp luật điều chỉnh như: các tiêu chuẩn về môi trường biển, vấn đề nhận chìm chất thải ở biển, vấn đề khắc phục ô nhiễm do dầu tràn, vấn đề giải quyết tranh chấp về môi trường biển, đặc biệt là các tranh chấp về môi trường biển có yếu tố nước ngoài. Điều này đòi hỏi pháp luật cần sớm có sự điều chỉnh.
Mới đây nhất, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 25/6/2015 tại văn bản Luật số 82/2015/QH13. Luật này gồm 10 chương, 81 điều và tập trung vào: Chiến lược và chính sách khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học về tài nguyên và môi trường biển, đảo; Quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; Quản lý tài nguyên hải đảo; Kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển; Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Nhìn chung, mặc dù đã có những đóng góp cụ thể nhưng luật này còn cần thời gian để xây dựng các văn bản dưới luật mới có thể đi vào cuộc sống thực tiễn, và chủ trương quản lý tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước với biển và hải đảo vẫn còn là nhiệm vụ ở phía trước.
“Có thể nói, hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường biển của Việt Nam nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, thiếu tính đồng bộ và không tránh khỏi sự chồng chéo, thậm chí bỏ trống một số vấn đề, chưa nội luật hóa và chú trọng các vấn đề môi trường biển xuyên biên giới.
Ở nước ta, để thực hiện chính sách phát triển và bảo vệ môi trường biển theo nguyên tắc quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển, cần sớm xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật toàn diện hơn, đó là Luật Bảo vệ Môi trường biển. Đây là khung pháp lý cơ bản cho bảo vệ môi trường biển, làm cơ sở cho việc phát triển các luật liên quan đến phát triển biển và bảo vệ môi trường biển, các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành ở các cấp. Luật và các văn bản pháp quy này phải được soạn thảo phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn chung về ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ môi trường biển đã được quốc tế thừa nhận, có tính đến hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Đồng thời cần sớm có các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường biển”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi khuyến nghị.