Căn bệnh thường gặp ngang với bệnh trĩ và những sai lầm hay gặp
Cùng với bệnh trĩ, bệnh áp xe cạnh hậu môn, rò hậu môn là bệnh viêm nhiễm ở vùng hậu môn thường gặp nhất trong cộng đồng. Tuy nhiên đây là bệnh "khó nói" nhiều người ngại đến viện hoặc tự chữa bắng cách đắp thuốc...
Ths. BS Nguyễn Ngọc Đan, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (BV Xanh Pôn) |
Mới đây Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh Pôn) tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân ngoài 40 tuổi ở Hà Nội đến khám. Trước đó bệnh nhân bị áp xe, rò cạnh hậu môn. Cứ tưởng chỉ bị nhọt thông thường lại ngại đến viện, người phụ nữ này đã đến một thầy lang bốc thuốc về tự đắp.
“Nghĩ rằng chi phí thấp, lại tiện lợi, kín đáo có thể tự đắp mà không phải đi khám bác sĩ. Tuy nhiên sau 1 tháng đắp thuốc, toàn bộ vùng hậu môn của bệnh nhân loét trợt, gây xơ hóa toàn bộ hoàn toàn không thể đi đại tiện được”, Ths. BS Nguyễn Ngọc Đan, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội nói.
BS Đan cho biết, tại bệnh viện, các bác sĩ đã phải rất vất vả để “sữa chữa” những sai lầm cho bệnh nhân này. Theo đó, ngoài phải điều trị dò hậu môn bệnh nhân còn phải điều trị hẹp hậu môn, tạo hình hậu môn.
Thời gian để “sửa sai” đối với bệnh nhân này theo BS Đan có thể kéo dài tới 1 năm. Trước mắt, bệnh nhân phải mổ để tạo hình lại hậu môn hẹp cần phải đi cầu trước. Sau khi hậu môn đủ rộng, đi cầu bình thường lúc ấy mới mổ dò hậu môn sau. Thời gian mổ rò hậu môn ít nhất chờ 6 tháng sau mổ tạo hình hậu môn.
“Rõ ràng là, bệnh nhân mất nhiều thời gian, tổn hại sức khỏe và đặc biệt chi phí tốn kém để khắc phục’, BS Ngọc Đan nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, BS Nguyễn Ngọc Đan cho biết, cùng với bệnh trĩ, bệnh áp xe cạnh hậu môn, rò hậu môn là bệnh viêm nhiễm ở vùng hậu môn thường gặp nhất trong cộng đồng.
Biểu hiện bằng việc sưng, nóng, đỏ đau ở cạnh hậu môn giống như khối nhọt làm cho người bệnh thấy đau nhức khó chịu. Sau đó khối sưng tấy vỡ ra và chảy mủ để lại vết sẹo, vết viêm vùng hậu môn. Vết viêm này sẽ tiến triển sưng đau, chảy dịch thành từng đợt. Quá trình đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.
BS Ngọc Đan phẫu thuật cho bệnh nhân |
Điều đáng ngại, theo BS Ngọc Đan, do đây là bệnh mắc ở vùng nhạy cảm cho nên đại đa số người bệnh có tâm lý ngại đi khám bác sĩ và thường sống chung với bệnh hoặc có thể đến các cơ sở y tế không có chuyên sâu về bệnh này.
“Đây là sai lầm vì bệnh để tiến triển lâu dài thì tổn thương lan rộng, điều trị càng ngày càng phức tạp, kết quả điều trị sẽ thấp. Đặc biệt, khi bạn đến những cơ sở y tế không có chuyên khoa được đắp thuốc hoặc tiêm các thuốc, uống thuốc không những không khỏi bệnh mà còn làm nên những hậu quả những biến chứng ở vùng hậu môn như: hẹp hậu môn hoặc tổn thương cơ thắt gây đại tiện mất tự chủ, rất nguy hiểm. Trường hợp nữ bệnh nhân mà chúng tôi đang phải điều trị là ví dụ điển hình”, BS Ngọc Đan cảnh báo.
Nguyên nhân của bệnh theo BS Ngọc Đan là do nhiễm khuẩn vùng phía trong của ống hậu môn. Ngoài ra còn một số yếu tố liên quan đến căn bệnh này, hay gặp ở những bệnh nhân ngồi nhiều, nam hay gặp hơn nữ, hay gặp ở độ tuổi trung niên..
Theo các bác sĩ chuyên khoa, căn bệnh này trước đây thường được thực hiện bằng phương pháp mổ mở cắt đường rò kinh điển tỷ lệ khỏi cao nhưng để lại sẹo lớn, bệnh nhân rất đau sau mổ, nguy cơ tổn thương cơ thắt cao và chăm sóc sau mổ thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người bệnh.
Nhưng hiện nay, thế giới có phương pháp xâm lấn tối thiểu – nội soi hỗ trợ hoặc sử dụng keo sinh học... Các phương pháp này đảm bảo cho bệnh nhân sẹo mổ nhỏ, ít ảnh hưởng đến cơ thắt, gần như không đau và ra viện chỉ sau một ngày. Phương pháp này hiện cũng đang được áp dụng tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội.
Để phòng bệnh, BS Ngọc Đan khuyến cáo, người bệnh có bất thường ở vùng hậu môn đặc biệt có những khối sưng đau vùng hậu môn, khối sa vùng hậu môn, chảy dịch, chảy mủ đại tiện ra máu thì cần đi khám tại các cơ sở có chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh.
“Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên chưa có phương pháp phòng đặc hiệu. Tuy nhiên, các bạn cần phải giữ vệ sinh thật tốt, tránh để vùng hậu môn bị ẩm ướt, khi các bạn làm việc đòi hỏi phải ngồi nhiều sau 2 tiếng cần phải đứng dậy vận động mấy phút. Ngoài ra, người dân cũng không nên mặc quần áo quá chật. Đây là những biện pháp dự phòng gây viêm nhiễm vùng hậu môn”, BS Ngọc Đan nhấn mạnh.
N. Huyền
Đo áp lực hậu môn chữa rối loạn đại tiện
Kỹ thuật đo áp lực hậu môn trực tràng là một phương pháp đã phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ hơn 10 năm gần đây, đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao mới được áp dụng lâm sàng tại Việt Nam.