Căn bệnh 500.000 người Việt mắc phải, thường bị nhầm là tâm thần
Theo Tổ chức Y tế thế giới, động kinh là một trong những bệnh thần kinh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người ở mọi lứa tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc động kinh dao động trong khoảng 4,9-7,5/1000 người.
Động kinh, căn bệnh khiến 60% số bệnh nhân là trẻ em mắc phòng ngừa ra sao?
Ở nước ta có khoảng 2% dân số bị bệnh động kinh trong đó gần 60% số bệnh nhân là trẻ em. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trí nhớ và học tập của trẻ.
Nhiều quan điểm sai về bệnh
Động kinh là rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương, xảy ra do sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát của một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, làm xuất hiện các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần với những thay đổi từ nhận thức, cảm giác đến hành vi vận động và chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Động kinh chia làm 3 nhóm. Thứ nhất là động kinh tự phát, không phát hiện được tổn thương thực thể ở não người bệnh.
Thứ hai là nhóm động kinh triệu chứng, do tổn thương não đã cố định hoặc tiến triển.
Thứ ba là nhóm động kinh căn nguyên ẩn, tức là nguyên nhân bị che giấu.
PGS Đồng Văn Hệ chia sẻ về bệnh động kinh và những quan điểm sai lầm về bệnh. |
PGS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, theo ước tính, tại Việt Nam có khoảng 500.000 người mắc bệnh động kinh. Hiện nay, có rất nhiều quan điểm sai lầm về về bệnh này.
Ví dụ điển hình như trường hợp của chị T.N.T ở TP.HCM. Chị T. 29 tuổi nhưng có tới 25 năm “sống chung” với bệnh động kinh.
Chị T. đã có một con gái. Chồng chị T. bỏ gia đình vì nghĩ vợ bị tâm thần, chỉ còn mẹ đẻ ở bên cạnh chăm sóc. Có những ngày chị T. bị 40 cơn giật do bệnh động kinh.
Sau khi được chữa trị ở nhiều nơi nhưng không thành công, chị T đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để khám và điều trị. Tại đây, bệnh nhân được hội chẩn với Hội đồng động kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hội đồng động kinh Saint Anne (Pháp). Chị T. được chẩn đoán động kinh kháng thuốc, loạn sản vỏ thùy trán. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt tổn thương.
Các bác sĩ đã tiến hành sử dụng kính vi phẫu, hệ thống định vị, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật để khu trú vùng sinh động kinh.
Sau phẫu thuật, chị T. không còn hiện tượng co giật. Các dấu hiệu trầm cảm cũng hết, chị trở lại cuộc sống bình thường.
Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nhiều người nghĩ động kinh là bệnh tâm thần, bệnh di truyền và bệnh không thể chữa khỏi. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh. Những quan niệm như vậy khiến người bệnh tự ti, ngại đi chữa bệnh, thậm chí người nhà vì sợ dị nghị nên đã giấu nhẹm bệnh của người thân.
Dấu hiệu của động kinh
PGS Đồng Văn Hệ khẳng định, với người mắc bệnh động kinh, nếu được điều trị sớm, có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Có tới 80-90% bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn, không còn các cơn co giật. Sau khi khỏi bệnh, họ có thể sinh hoạt, làm việc và học tập như người bình thường.
Nếu bệnh động kinh không được chẩn đoán, điều trị sớm và đúng, đủ liệu trình, tình trạng bệnh sẽ nặng thêm và người bệnh khó hòa nhập cộng đồng.
Về dấu hiệu nhận biết bệnh động kinh, theo PGS Đồng Văn Hệ, ở người bệnh sẽ có những cơn co giật, sùi bọt mép, chớp mắt/nháy mắt liên tục, hay tê bì tay chân, nóng dưới ngực rồi lan lên trên… Những cơn co giật có thể xuất hiện hàng ngày với tần suất 5-10 cơn, mỗi cơn co giật khoảng 1-5 phút.
Trong điều trị bệnh động kinh, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, hiện nay vấn đề phổ biến mà người bệnh động kinh gặp phải là sự kì thị từ xã hội. Đây là một trong những yếu tố chính ngăn cản người bệnh tìm cách điều trị.
Trong khi đó, nếu không được điều trị, động kinh sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài cho người bệnh và gia đình.
Nhằm cung cấp thông tin và cập nhật kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người bệnh động kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quyết định thành lập câu lạc bộ người bệnh động kinh.
Khánh Chi