'Cấm giáo viên gọi học sinh là CON': Xưng hô phù hợp hoàn cảnh, không cần quy chế cứng nhắc!
Chuyên gia giáo dục cho rằng việc gọi học trò là "con" trong trường học là điều rất bình thường. Trong giáo dục sự tôn trọng và tình yêu thương đối với học sinh quan trọng nhất, còn xưng hô thế nào phụ thuộc vào hoàn cảnh, vùng miền.
Trước quan điểm gây tranh cãi "giáo viên không nên gọi học sinh là con” của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm này.
Ông Khuyến cho hay, thực tế, việc giáo viên gọi học sinh bằng "con" hay "em" đều chỉ là những cách gọi mang tính quy ước, không nói lên bản chất tốt xấu của mối quan hệ thầy trò.
"Thời tôi còn đi học, cấp 1, tôi thường xưng "con" với thầy cô bởi "thầy cô như cha mẹ hiền". Nhưng đến cấp 2, sự chênh lệch tuổi tác ít đi, nên chúng tôi xưng hô với thầy cô bằng "em"...
Tôi cho rằng, chúng ta không nên quá câu nệ, cầu kỳ trong cách xưng hô. Cách xưng hô “con” hay “em” với giáo viên không hạ thấp nhân cách của học sinh hay giáo viên cũng không “cướp công của cha mẹ” như nhiều người nghĩ".
Ảnh minh họa |
Trước đề xuất khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học xưng "tôi" trước giáo viên, ông Khuyến cho rằng việc học trò xưng "tôi" với giáo viên chỉ thực sự phù hợp với các cấp học lớn.
"Việc giáo viên và học sinh xưng hô với nhau thế nào cần phải nhìn vào tình huống. Theo đó, nếu sự chênh lệch lứa tuổi giữa thầy và trò quá lớn, có hay chăng thì nên xưng "em" để thể hiện tình cảm cũng như sự tôn trọng.
Nếu học sinh tiểu học mà nói “tôi/thầy” thì cũng không hợp lý. Còn trong trường hợp ở lớp đại học, người dạy và người học không quá chênh lệch tuổi tác thì có thể xưng "tôi".
Ngôn ngữ tiếng Việt rất đa dạng, phong phú, cho nên việc xưng hô thế nào là phụ thuộc vào mỗi người và trong từng hoàn cảnh miễn sao chúng ta thấy hợp lý là được.
Chúng ta cũng cần biết cách điều chỉnh ra sao cho phù hợp với bối cảnh để cách xưng hô ấy thể hiện được tính tích cực trong mối quan hệ thầy trò", ông Khuyến chia sẻ.
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng mỗi chúng ta cần tôn trọng cách xưng của mỗi thầy cô với học sinh. Do đó, việc đưa ra quy chế về xưng hô trong nhà trường là không thực sự cần thiết.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cũng cho rằng không nên quy định cứng nhắc về cách xưng hô giữa thầy và trò.
Theo vị chuyên gia này, trong giáo dục sự tôn trọng và tình yêu thương đối với học sinh quan trọng nhất và giáo dục phải lấy điều này làm chuẩn. Còn ngôn ngữ xưng hô thế nào để thân mật phụ thuộc vào địa phương, vùng miền.
“Ở miền Nam, các thầy cô hay gọi học sinh bằng "con", có nơi thầy cô xưng học sinh là “trò, em”… điều này hoàn toàn bình thường vì mỗi vùng miền có những thói quen, phong tục riêng miễn phù hợp là được.
Còn ở trường học thì quan trọng là sự tôn trọng, thương yêu học sinh phải đảm bảo chứ gọi theo quy định này, quy định khác nhưng lại thầy cô thiếu tôn trọng học sinh và học sinh không ngoan thì xưng hô cũng chẳng để làm gì.
Tôi nhắc lại là việc xưng hô không phải là chuẩn mực để bắt thầy trò phải thế này, thế kia mà căn bản vẫn là sự tôn trọng và yêu thương”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Trên thực tế hiện nay, việc xưng hô giữa thầy và trò tương đối phong phú, đa số vối với học sinh nhỏ tuổi ở bậc mầm non, tiểu học, các cô giáo thường gọi học sinh bằng “các con”, lớn hơn chút thì trò gọi “cô” xưng “em”. Cách xưng hô của thầy và trò cần đặt trong sự phù hợp với nét đặc thù của từng cấp học. Việc xưng "tôi" của học trò các cấp với thầy cô giáo của mình có phần không phù hợp với văn hóa của người Việt.
Trước đó, trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu cấm giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là "con"; đồng thời đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học. Quan điểm của ông nhận về nhiều ý kiến trái chiều đến từ phía giáo viên và phụ huynh.
Tranh cãi gay gắt về việc giáo viên không được gọi học sinh là con
Nhiều ý kiến cho rằng cách xưng “thầy, cô” gọi “con” thể hiện sự thân thiết chứ không có gì nhầm lẫn vị trí.
Hoàng Thanh