Cấm bán bia vỉa hè: Nhiều người "méo mặt"
Theo đề xuất, thương nhân kinh doanh sản phẩm bia phải thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật có liên quan; có trách nhiệm đảm bảo nguồn gốc, thời hạn sử dụng sản phẩm bia theo công bố của cơ sở sản xuất.
Dự thảo còn cấm bán bia qua hình thức máy bán hàng tự động hoặc qua phương tiện điện tử, kinh doanh bia tại các địa điểm: trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè; bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu.
Bia vỉa hè trên phố cổ Hà Nội |
Liệu quy định này có khả thi hay không khi mà kinh doanh bia vỉa hè đang rất phổ biến ở những thành phố lớn và việc uống bia vỉa hè đã trở thành một thói quen, một nét văn hóa của người Việt.
Trao đổi với Phóng viên báo điện tử Infonet, chị Lợi chủ một quán bia vỉa hè ở phố Tạ Hiện cho biết, chị vừa đọc được thông tin dự thảo cấm bán bia vỉa hè. Là một người kinh doanh bia Tạ hiện gần hơn 15 năm nay, chị Lợi chia sẻ: Những người buôn bán vỉa hè nói chung là những người không có công ăn việc làm, hoặc có cửa hàng có nhưng chật chội, phải kinh doanh trên vỉa hè để bảo đảm cuộc sống. Nếu có nhà cao cửa rộng thì không ai bán ở vỉa hè. Hoặc những người tìm đến vỉa hè cũng là những người thu nhập thấp. Họ không thể vào cửa hàng lớn với tiền trăm tiền triệu được mà chỉ ngồi vỉa hè giá bình dân, uống bình dân…Tuy nhiên với thói quen uống bia của người Việt Nam, đặc biệt là uống bia vỉa hè thì e rằng quy định sẽ khó mà thực hiện được. Liệu có thể thay đổi được nét sinh hoạt này không hay cấm nhậu vỉa hè thì họ vào nhà hàng. Nếu thực sự đã cấm thì nên cấm triệt hết, kể cả vỉa hè hay nhà hàng cũng đều phải như nhau.
“Phố Tạ Hiện là nơi kinh doanh của hàng chục hộ gia đình. Mỗi quán nhỏ chỉ tầm mấy mét vuông nhưng chung nhau vốn làm ăn. Như nhà tôi có 8m2 do bố mẹ để lại là nơi kinh doanh của 3 chị em, nuôi sống cả 3 hộ gia đình với gần 20 con người và tạo công ăn việc làm cho 3-4 người tỉnh lẻ bán đồ nhắm như mực, cá...nếu thực sự cấm bán bia vỉa hè thì chúng tôi không biết làm gì”, chị Lợi than thở.
Cũng theo chị Lợi, trong dự thảo có nói đến việc cấm bán bia cho người chưa đủ 18 tuổi, theo chị việc cấm người chưa đủ 18 tuổi là đúng, chị đồng tình với đề xuất này. Tuy nhiên cấm như thế nào? Liệu người ta 17 hay 18 tuổi mình có xác định được không hay mỗi người đến mình đều bắt trình chứng minh thư ra, cho nên điều này là rất khó.
Còn anh Trường, chủ kinh doanh khác cho hay, ngay sau khi đọc đựơc dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng anh cũng cho rằng quy định trên là không thực tế. Việc uống bia vỉa hè giống như nét văn hóa và đặc biệt, kinh doanh bia vỉa hè tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người”.
Theo anh, cũng chỉ vì điều kiện kinh tế, diện tích quá chật hẹp nên gia đình anh cũng như các hộ kinh doanh khác buộc phải kinh doanh ở ngoài vỉa hè. Tuy nhiên nếu thực sự đã cấm để hạn chế tác hại của rượu bia thì nên cấm cả chứ không thể hạn chế uống bia rượu bằng cách cấm bán ở vỉa hè còn nhà hàng, quán nhậu thì không.
“Quán của chúng tôi phục vụ những người lao động bình thường bởi mỗi cốc bia ở đây chỉ có giá 5.000 đồng, họ có thể gọi cốc bia ngồi cả buổi nhâm nhi còn vào nhà hàng đương nhiên chi phí sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, không chỉ người Việt mà người Tây cũng rất thích bia vỉa hè, có thể đó là nét văn hóa gì đó mà họ rất thích. Hơn nữa kinh doanh bia trong khu vực phố cổ rất văn minh, ở đây không có bợm nhậu, đánh nhau, bàn này cà kê bàn kia, cũng không bao giờ xảy ra tình trạng tranh giành khách”, anh trường nói.
Nói về dự thảo cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi, anh Trường cũng bày tỏ: Việc xác định tuổi là rất khó. Khách muốn uống bia, mình không thể bắt họ trình chứng minh thư ra hoặc giả sử họ bảo không đem giấy tờ thì làm thế nào? Làm sao để xác định họ đủ tuổi hay chưa? Điều quan trọng là phải giáo dục cho các em về tác hại khi sử dụng rượu bia.
Chị Oanh, quê ở Hưng Yên, một người bán cá mực khô dạo tại phố Tạ Hiện thở dài : “Chúng tôi từ quê lên đây, lang thang phố bán cá mực khô để kiếm tiền nuôi con ăn học. Gần chục năm đã gắn bó với con phố này, nếu lệnh cấm thực thi thì không biết phải làm thế nào, chúng tôi chắc chết đói”.
Cũng theo chị Oanh, nhờ vào công việc này mà chị kiếm được 3 triệu đồng/tháng. Bao năm bán hàng ở đây nhưng theo chị Oanh cũng chưa có trường hợp nào uống bia mà say xỉn bởi những người đến đây chủ yếu là nam nữ thanh niên, khách tây. Họ uống ít, ngồi nhâm nhi cho vui là chính.
Nhận xét về dự thảo này, chị Lê Thị Phương (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng đây là một chính sách không khả thi. Nếu cho rằng cấm kinh doanh bia viả hè sẽ hạn chế được những tác hại như ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống, tai nạn giao thông…thì không nên cấm bia vỉa hè mà nên đóng cửa tất cả các cửa hàng kinh doanh bia rượu.
“Bản thân tôi là con gái nhưng vẫn thường xuyên lui tới những quán bia vỉa hè bởi đây giống như một thú vui. Tôi thường hẹn bạn bè đến đây trò chuyện, tán gẫu, tìm một không gian thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng, có thể ngồi nhâm nhi cốc bia cả tiếng đồng hồ để ngắm phố phường. Chứ không phải mọi người tìm đến đây chỉ để ăn nhậu. Tôi cho rằng việc cấm kinh doanh bia vỉa hè là rất vô lý. Đặc biệt là những bợm nhậu, họ sẽ chẳng bao giờ chọn vỉa hè để ngồi. Nếu đã cấm thì nên triệt để bởi không họ sẽ vào nhà hàng hoặc mua về nhà để uống thôi”, chị Phương nói.