Cai thuốc lá: Bỏ đột ngột hay bỏ từng điếu một?
Điều thú vị là khi được hỏi, đa phần những người tham gia khảo sát đều muốn được giảm dần lượng thuốc hút mỗi ngày thay vì hút thoải mái rồi dừng đột ngột.
Theo một khảo sát tại Anh, một nhóm đã tập hợp 700 người hút thuốc lá lâu năm và họ muốn từ bỏ thói quen có hại này. Một nửa trong số đó được yêu cầu bỏ thuốc đột ngột và họ sẽ chọn ra một ngày để “thực thi nhiệm vụ". Nửa còn lại được cho phép giảm dần số lượng thuốc lá trong hai tuần cho đến khi quyết định bỏ hẳn.
Sau thời gian đó, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có đến 49% trong nhóm bỏ thuốc đột ngột đã không còn đụng đến thuốc lá trong vòng một tháng sau ngày quyết định rời xa thuốc lá, so với 39,2% ở nhóm bỏ thuốc dần dần. Thêm 6 tháng nữa, tỉ lệ bỏ thuốc thành công của “nhóm đột ngột" vẫn cao hơn “nhóm từ từ".
Sau 6 tháng, tất cả các tình nguyện viên trong nghiên cứu được kiểm tra lại. Họ được đo lượng Carbon monoxide khi thở ra để đảm bảo một cách khách quan rằng đã thực sự cai thuốc hay chưa. Lúc này, chỉ hơn 15% số người trong nhóm cai thuốc lá dần dần còn duy trì việc không hút thuốc. Trong khi đó, 22% số người theo phương pháp cai thuốc đột ngột đã chấm dứt hẳn việc hút thuốc.
Tiến sĩ Nicola Lindson-Hawley cho rằng: “Đối với nhiều người, họ chọn cách cắt giảm hút thuốc dần dần cho đến khi họ dừng hẳn. Tuy nhiên, hầu như việc chấm dứt hẳn hút thuốc là rất khó khăn và gần như thất bại. Thông thường, với các chứng nghiện khác, người nghiện được khuyên cắt giảm một cách từ từ. Riêng với thuốc lá, cách hữu hiệu nhất mà các chuyên gia khuyên là chấm dứt một cách đột ngột.”
Dù hút thuốc được 1 hay 10 năm thì việc cai thuốc bằng cách dừng đột ngột luôn luôn là một quyết định đúng đắn. Tuy là cách hiệu quả nhất để cai thuốc, nhưng cần có một số sự chuẩn bị trước về triệu chứng của việc cai thuốc. Bỏ thuốc đột ngột, những ảnh hưởng về thể chất và tâm lý sẽ xuất hiện. Bao gồm cảm giác thèm ăn dữ dội, căng thẳng thần kinh, lo lắng, mất bình tĩnh, trầm cảm và mất ngủ.
Đừng quá lo lắng, những triệu chứng này là hoàn toàn có thể kiểm soát được. Những hành động sau đây giúp bạn chiến đấu với sự thôi thúc khiến bạn muốn hút thuốc:
• Cố gắng trì hoãn cho đến khi cơn thèm thuốc đi qua. Sự thôi thúc hút thuốc thường đến và đi trong vòng từ 3 đến 5 phút.
• Hít thở sâu. Hít vào chậm rãi bằng mũi và đếm đến 3, sau đó thở ra bằng miệng cũng đếm đến 3. Tưởng tượng rằng phổi của bạn đang chứa đầy không khí trong lành.
• Uống nước từng nhắp một để chống lại sự thèm thuồng.
• Làm một việc gì khác để đánh lạc hướng bản thân, như đi dạo một vòng chẳng hạn.
Theo anh Hoà, một người nghiện thuốc cho hay: “Tôi hút thuốc từ năm 17 tuổi và bắt đầu có ý định bỏ từ lúc 45 tuổi. Thời gian đó, tôi đã thử qua nhiều cách như dùng miếng dán, nhai gum nicotin, hút ít lại giảm từ từ.....nhưng không những không bỏ được, mà sau vài tuần thử, lại hút nhiều hơn trước. Mãi đến 50 tuổi, tôi tự nói với mình là già rồi, cần phải giữ gìn sức khỏe để có thể sống lâu hơn với con cái và không chần chừ gì nữa, cũng không cần bất cứ sự hỗ trợ nào cả, tôi đã bỏ ngay lúc đó. Và tôi đã thành công. Hiện giờ tôi 62 tuổi , 12 năm không hút thuốc tiết kiệm được rất nhiều (mỗi ngày hút 1-1/2 gói, $6 USD/ một gói) và lợi ích về sức khỏe thì rất lớn (bụng 6 múi, có thể nâng tạ 120lbs hoặc chống đẩy 300 cái mỗi ngày)”
Đó thật sự là giai đoạn đầy thử thách nhưng dần sẽ quen nếu bạn quyết tâm cai thuốc vì sức khỏe của chính mình lẫn người thân. Cai thuốc lá không phải chỉ đơn giản là muốn bỏ là bỏ, mà là cả một quá trình đầy vất vả và sự quyết tâm. Một khi đã bỏ được thuốc lá, bạn sẽ cải thiện được sức khỏe và chất lượng cuộc sống trở về như lúc bạn chưa từng hút thuốc.
Để bỏ thuốc lá, bạn không chỉ cần phải thay đổi hành vi và đương đầu với những triệu chứng khó chịu khi phải cắt bỏ hoàn toàn nicotine, mà bạn cũng cần phải tìm cách để kiểm soát tinh thần, tâm trạng của mình.