Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ tránh bệnh tai-mũi-họng
Khi nào thì rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý?
Trước tiên, bạn cần phải nhớ rằng không nên lạm dụng việc rửa mũi cho trẻ. Rửa mũi thường xuyên khi trẻ bình thường, rửa quá nhiều lần mỗi ngày sẽ làm mất đi lớp nhầy tự nhiên tạo độ ẩm và ngăn ngừa bụi bẩn trong khoang mũi, càng làm tăng nguy cơ gây khô mũi, viêm mũi.
Chỉ áp dụng rửa mũi cho trẻ trong trường hợp trẻ bị viêm mũi, bị nghẹt mũi do dịch mũi đặc không thể chảy ra ngoài... Do cơ chế tai - mũi - họng thông nhau nên khi trẻ bị viêm tai - mũi - họng thì bác sĩ cũng hướng dẫn các mẹ về tự rửa mũi cho con tại nhà trước khi nhỏ thuốc giúp trẻ dễ chịu, mau khỏi bệnh.
Nếu muốn phòng bệnh hô hấp cho con bằng nước muối sinh lý thì hàng ngày mẹ chỉ nên nhỏ vài giọt vào mũi cho con khi vệ sinh mặt mũi, hoặc khi cho con ra ngoài tiếp xúc chỗ công cộng về thì nhỏ nước muối để làm sạch.
Rửa mũi là phương pháp vệ sinh hỗ trợ điều trị viêm mũi hiệu quả nhưng tuyệt đối phải rửa mũi đúng cách và không lạm dụng. |
Kinh nghiệm là không tự pha nước muối sinh lý
Lý do bởi vì chúng ta rất dễ pha sai liều lượng. Tốt nhất là ra hàng thuốc mua đúng nước muối sinh lý 0,9% chuyên dùng vệ sinh mũi.
Nên mua dụng cụ chuyên dụng rửa mũi tại hiệu thuốc vì áp lực khi bơm nước muối vào mũi sẽ chuẩn hơn.
Trong trường hợp bố mẹ đã rửa mũi nhiều lần cho trẻ và hiểu về áp lực nước khi bơm vào mũi thì có thể dùng xi lanh bịt đầu tròn, lọ nước muối nhỏ 10ml... để bơm trực tiếp vào mũi trẻ.
Các rửa mũi cho trẻ đúng cách để không gây viêm nhiễm nặng, viêm tai giữa
- Chỉ nên rửa mũi cho trẻ khoảng 3 lần/ ngày. Rửa đúng kỹ thuật.
- Rửa bằng nước muối đã hâm ấm (ngâm lọ nước muối vào nước ấm khoảng 40 độ).
- Rửa mũi khi trẻ thức.
- Rửa mũi cho trẻ trước bữa ăn, vì rửa sau khi ăn có thể khiến trẻ nôn trớ.
Bác sĩ hướng dẫn rửa mũi cho trẻ như thế nào?
Cách 1: Đặt trẻ nằm nghiêng (thường áp dụng với trẻ nhỏ chưa biết ngồi)
- Đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường. Để đầu thấp, mông cao đặt một tay lên đầu trẻ và giữ nhẹ để tránh việc giãy giụa, có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi.
- Lót khăn xô dày dưới cổ và đầu trẻ để nước rửa chảy ra thấm vào đó.
- Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng, cha mẹ có thể tiến hành rửa luôn. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nên nhỏ 2-3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm, nhẹ nhàng dùng tay day mũi bé để gỉ mềm và bong ra ngoài.
- Đặt miệng lọ nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra ở lỗ mũi bên kia. Dịch và gỉ mũi có thể cuốn theo nước muối chảy ra lỗ phía dưới.
- Dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng trẻ, trấn an con vài phút trước khi quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia. Cách làm tương tự.
- Nếu dịch mũi quá đặc và không thể trôi ra theo nước, có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên thường xuyên dùng dụng cụ này vì áp lực lớn dễ gây tổn thương niêm mạc mũi.
- Bơm rửa cho đến khi nước rửa chảy ra màu trong, không còn dịch mũi nhầy.
Cách 2: Cho trẻ ngồi cúi đầu (khi trẻ đã biết ngồi)
- Để trẻ ngồi cúi đầu sẽ tránh được nguy cơ trẻ sặc hoặc dịch mũi bị chảy ngược lên gây viêm tai.
- Cách rửa cũng tương tự như khi trẻ nằm nghiêng.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là bước đầu tiên khi điều trị cho con bị viêm tai - mũi - họng. Rửa mũi sạch sẽ cho con trước khi dùng thuốc do bác sĩ kê sẽ giúp thuốc phát huy hiệu quả. Bởi vậy mới nói dù có dùng "thần dược" mà mũi của con còn quá nhiều dịch nhầy bít tắc thì cũng vô dụng.
Đặc biệt với những trẻ viêm tai giữa mà còn bị sổ mũi thì việc rửa mũi cực kỳ quan trọng. Chỉ khi mũi con hết viêm, khô thoáng thì tình trạng viêm tai mới thuyên giảm.
Rửa mũi cho con thì cần lựa tư thế phù hợp nhất với con mình để con không bị hoảng sợ khi rửa mũi.
Tốt nhất khi rửa mũi nên có hai người, một người giữ trẻ, người còn lại tập trung rửa mũi cho trẻ.
Cuối cùng, các bố mẹ hãy kiên nhẫn khi điều trị cho con bị viêm tai - mũi - họng. Không có một phương pháp nào giúp con khỏi ngay trong 1, 2 ngày. Hãy tuân thủ theo lời khuyên và đơn thuốc của bác sĩ.
Chúc các bố mẹ thực hành rửa mũi cho trẻ tại nhà đúng cách để con mau vượt qua chứng bệnh đường hô hấp khi thời tiết thay đổi, vượt qua mùa đông lạnh giá!