Cách phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ
Mùa đông xuân thời tiết thất thường cộng với những ngày Tết nhịp sinh hoạt thay đổi dễ dẫn tới trẻ mắc nhiều bệnh lý khác nhau trong đó có sốt, tiêu chảy.
Mất Tết vì con ốm
Chị Nguyễn Thị Hương (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) kể chiều 30 Tết bé Min 11 tháng tuổi con chị bỗng dưng sốt cao, dù uống thuốc hạ sốt vẫn không đỡ. Quá lo sợ, vợ chồng chị vội bắt taxi lên Hà Nội để cho con vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Kết quả, bé bị sốt virus. Chị Hương hiếm muộn nhiều năm mới sinh được Min nên vợ chồng chị rất lo sợ mỗi khi con ốm là nhanh chóng đi tìm bác sĩ. Dù chị đã chuẩn bị rất nhiều thuốc mang về theo tư vấn nhưng thấy con ốm mẹ vẫn lo sợ.
Đến mùng 3 Tết, bé khỏe nhưng do dịch bệnh phức tạp nên gia đình không đi đâu chỉ ở nhà.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hoan (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sáng mùng một, con trai 2 tuổi sốt cao kèm theo co giật. Bất chấp vừa đầu năm vợ chồng anh bỏ lại tất cả đưa con vào viện.
PGS An khám cho trẻ. |
Sau khi được bác sĩ chẩn đoán sốt siêu vi và cho về nhà điều trị. Được hai ba hôm, bé lại chuyển sang tiêu chảy, vợ chồng anh Hoan lại tất bật đưa con đến bác sĩ.
Không tự điều trị bằng kháng sinh
PGS.BS Nguyễn Thị Hoài An – nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, giám đốc BV Đa khoa An Việt, cho biết những ngày Tết hay sau Tết bác sĩ tiếp nhận nhiều trẻ thăm khám với các biểu hiện về tiêu chảy, sốt virus,... chủ yếu là độ tuổi nhỏ dưới 5.
Có rất nhiều trường hợp trẻ bệnh nặng và có chuyển biến xấu vì không điều trị kịp thời. Vì vậy, để tránh hậu quả khôn lường, cha mẹ nên theo dõi tình hình sức khỏe của bé sát sao, nếu có những dấu hiệu bất thường thì nên cho bé khám kịp thời hoặc nhập viện để điều trị.
BS An cho rằng nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khoẻ yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm.
Cùng với đó, điều kiện môi trường thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan. Chính vì thế, nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy càng gia tăng.
Cũng trong thời gian này, nhiều trẻ bị viêm họng cấp phải nhập viện với các triệu chứng đau cổ họng, sốt cao. PGS An cho biết viêm họng cấp do vi rút gây ra.
Khi trẻ có các biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, ho kéo dài, ngủ li bì cần nhanh chóng cho trẻ tới các cơ sở y tế. BS An khuyến cáo cha mẹ không nên tự điều trị cho trẻ bằng kháng sinh. Nguyên tắc điều trị phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh, trong trường hợp xác định được vi khuẩn và có kết quả của kháng sinh đồ thì nên lựa chọn kháng sinh để điều trị cho thích hợp với tuổi, tình trạng bệnh và tính động học của kháng sinh. Việc dùng thuốc để điều trị phải tuân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho mình và người nhà.
Để phòng bệnh, PGS An khuyến cáo khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus phát triển gây ra nhiều dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bên cạnh đó, do đặc tính của mùa đông xuân có nhiều phấn hoa, thời tiết lạnh, độ ẩm cao cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến hệ miễn dịch của trẻ nhỏ.
Trong công tác phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ. Cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ, đi khám nếu có những biểu hiện bất thường.
Khánh Chi