Cách đơn giản để truyền cho con niềm yêu thích học tập
Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia Nga Anastasia Nikonova về các phương pháp cha mẹ cần làm để giúp con yêu thích việc học:
Trợ giúp con trong các nhiệm vụ khó khăn
Trong nhiều tình huống khó khăn, cha mẹ nên kiên nhẫn, đừng lấy suy nghĩ và lượng kiến thức của mình để áp lên người những đứa trẻ. Có những tình huống cha mẹ nghĩ rằng rất đơn giản nhưng đối với con đó là những kiến thức mới, con chưa thể hiểu hết. Vì vậy, cha mẹ nên kiên nhẫn, giảng giải giúp con hiểu rõ vấn đề.
Nếu con bị điểm kém, đừng phê bình, đừng la mắng mà hãy kiên nhẫn chỉ cho con thấy con hiểu sai chỗ nào, từ đó giúp con hiểu rõ và sửa chữa vấn đề. Đồng thời, cần tránh những câu đánh giá như “con lại sai”, “con làm bố/mẹ thất vọng”.
Thay vào đó hãy nói: “con hãy tìm hiểu và xem vì sao không đúng”, “làm cách nào để khắc phục tình hình”. Những câu nói này sẽ giúp con hiểu rằng có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của bố mẹ và mọi sai lầm đều có thể sửa chữa, miễn là mình cố gắng. Nếu bạn la mắng trẻ chỉ làm cho căng thẳng tích tụ, ham muốn học tập sẽ biến mất.
Định hướng con đặt ra mục tiêu học tập
Cần giúp trẻ hình thành thái độ tích cực đối với việc học tập, cũng như hiểu được sự cần thiết và tầm quan trọng của kiến thức. Hãy giúp con bạn đặt mục tiêu. Khi học sinh có mục tiêu sẽ hiểu làm thế nào để đạt được mục tiêu cũng như tầm quan trọng của kiến thức đối với quá trình đạt được mục tiêu này.
Điều này sẽ thúc đẩy trẻ dành thời gian cho việc học. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã có ý tưởng về nghề nghiệp mơ ước, vì vậy, dựa theo mong muốn của trẻ, cha mẹ hãy định hướng tương lai cho con.
Tạo động lực cho con
Tạo động lực học tập là một điều vô cùng quan trọng đối với trẻ. Động lực có thể là bên trong và bên ngoài. Bên trong là là sự quan tâm về các mục tiêu và hoài bão của con, bên ngoài phụ thuộc rất nhiều về lời khen ngợi và khuyến khích của người lớn. Điều quan trọng là trẻ thấy rằng bản thân đang làm tốt và có động lực để tiếp tục phấn đấu.
Khuyến khích sở thích
Đối với bất kỳ một ai, nhất là đối với trẻ nhỏ, quan trọng là phải có sở thích – những hoạt động có thể mang lại niềm vui, từ đó tạo hứng thú cho cuộc sống cũng như học tập.
Hãy quan sát con bạn và nếu bạn nhận thấy trẻ muốn tham gia vào bất kỳ hoạt động thể thao và sáng tạo nào thì hãy khuyến khích và hỗ trợ trẻ tích cực tham gia, từ đó giúp trẻ phát triển trong lĩnh vực mà trẻ quan tâm.
Đừng làm con quá tải
Tất cả cha mẹ đều muốn con có một cuộc sống năng động: vừa học tập (học ở trường, học thêm), tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, vừa tham gia thể thao. Nhưng cuộc sống với nhịp điệu “dày đặc như vậy có thể làm con bị quá tải, cũng như làm “loãng” sự quan tâm của con với một vấn đề gì đó. Điều này cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, từ đó gây ra sự chán nản.
Tạo môi trường thuận lợi cho việc học tập tại nhà
Hãy xem xét các hoạt động giải trí chung có thể góp phần vào sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, các hoạt động này phải thực sự tạo niềm vui cho trẻ. Ví dụ cha mẹ có thể cùng con tham gia một trò game trí tuệ, hay như cùng nhau đọc một cuốn sách hay, cũng như thảo luận một vấn đề thú vị nào đó.
Làm gương cho con
Bạn không thể truyền cho con mình tình yêu đối với những thứ không gây được hứng thú cho bạn. Vì vậy, hãy cố gắng cho trẻ thấy sự quan tâm của bạn đối với giáo dục: học hỏi những điều mới, đọc, chia sẻ thông tin, thảo luận về những gì bạn đã được học, nói về những thành tích của bạn trong công việc… Nếu trẻ cảm thấy bạn thực sự quan tâm đến việc học và phát triển thì chắc chắn trẻ sẽ muốn noi gương bạn.
Dạy con học, hãy tạo hứng thú cho con
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà học sinh cần trong tương lai là khả năng tìm kiếm và phân tích thông tin một cách độc lập, hay nói cách khác, đây là kỹ năng học tập. Để trẻ không chỉ học những điều mới mà còn phát triển có ý thức, cha mẹ cần chỉ cho con cách thực hiện.
Ngoài ra, hãy làm cho con cởi mở với cha mẹ. Muốn được như vậy, bạn cần tạo hứng thú cho con. Nếu trẻ không thấy bạn quan tâm đến cuộc sống và sự phát triển của trẻ thì trẻ sẽ không muốn chia sẻ với bạn chi tiết về những gì trẻ đã trải qua. Nếu con chạy đến chỗ bạn và nhiệt tình kể về bức vẽ mà hôm nay đã vẽ ở trường thì hãy dành thời gian cho con, thậm chí hãy thể hiện sự hào hứng đối với câu chuyện của trẻ.
Hạ Thảo (theo Gazeta)