“Các trường nước ngoài đều cho học sinh nghỉ 4 kỳ thay vì 1 kỳ nghỉ hè”
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 14/2, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH thành phố xây dựng kế hoạch đề xuất với Bộ GD&ĐT chia năm học thành 4 kỳ học, tương ứng với 4 kỳ nghỉ, trong đó: nghỉ hè khoảng 35 ngày, nghỉ Tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần.
Theo ông Chung, việc thay đổi khung thời gian năm học giúp kích thích tiêu dùng, phân bố lại giao thông và kích cầu du lịch.
Hoạt động của học sinh trong kỳ nghỉ hè. |
Tranh cãi về vấn đề này, anh Nguyễn Đức Thinh – phụ huynh học sinh trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy) cho hay: “Không hiểu 1 năm nghỉ 4 kỳ thì phụ huynh chúng tôi sẽ trông con thế nào? Chưa kể, mọi kế hoạch như bắt đầu, kết thúc năm học sẽ thay đổi hoàn toàn.
Nếu áp dụng thì phải triển khai được trên phạm vi cả nước chứ không phải chỉ áp dụng riêng tại Hà Nội. Cần có sự tính toán kỹ lưỡng vì còn liên quan đến lịch thi quốc gia và tuyển sinh đại học tại các trường, chứ không đơn thuần chỉ là những kỳ nghỉ của học sinh”.
Trái ngược với quan điểm trên, cô Văn Quỳnh Giao – Phó hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho hay: “Chia năm học thành 4 kỳ và cho học sinh có 4 kỳ nghỉ là điều hoàn toàn hợp lý và phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay, nhất là nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến”.
Cô Giao phân tích chia năm học thành nhiều kỳ giúp học sinh giảm được áp lực, căng thẳng kéo dài thay vì phải học liên tục nhiều tháng như hiện nay; và tất nhiên giáo viên cũng thế, có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Cùng với đó, các con dễ bắt nhịp lại việc học hơn nhờ thời gian nghỉ giữa mỗi kỳ được rút ngắn, giảm triệt để sức ỳ của học sinh sau kỳ nghỉ hè dài.
Cụ thể cô Giao cho hay, nếu chia năm học thành 4 kỳ tương đương với 4 kỳ nghỉ sẽ giúp học sinh đỡ căng thẳng vì học liên tục và đỡ quên kiến thức vì nghỉ liên tục. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi dịp hè mà không bị xáo trộn nhiều khi quay trở lại năm học mới.