Các trường ĐH nên mạnh dạn xin tự chủ để nâng cao chất lượng và thứ hạng
Hội thảo giáo dục với chủ đề “Giáo dục Đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” do Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 17/8/2018. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Dilip Parajuli cho hay: Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia xếp hạng thứ 84/137 về chất lượng giáo dục đại học và chỉ có 2 trường Đại học lọt vào danh sách (top) 1.000 trường của thế giới (ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và 5 trường lọt top 400 của châu Á. Kết quả như vậy là thấp - thấp so với chính khu vực chứ chưa nói đến so sánh cạnh tranh trên toàn thế giới.
Nguyên nhân chính của thứ hạng thấp này là do các chính sách đang kìm hãm sự “bùng nổ” của các trường Đại học. Nên cởi bỏ “chiếc áo rập khuôn” trong việc quản lí về mặt tài chính và hành chính tạo điều kiện các trường phát triển.
Chính phủ chỉ định hướng trong việc tự chủ đại học, còn lại các trường sẽ tự chọn hướng đi cho mình. Các trường sẽ chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước chính sinh viên của mình cho nên các trường đừng rụt rè, hãy mạnh dạn xin tự chủ để nâng cao chất lượng và thứ hạng cho mỗi trường nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.
Theo xu hướng toàn cầu trong giáo dục đang diễn ra rất mạnh, số lượng du học sinh tăng cao; các trường mở phân hiệu tại các quốc gia mới nổi về kinh tế; đồng thời tăng số lượng giảng viên quốc tế và hợp tác nghiên cứu và xếp hạng trường ĐH quốc tế là những nhu cầu không thể không làm để giải bài toán hội nhập. Nhưng cho đến nay, cả 4 khía cạnh này, tỉ lệ của Việt Nam đều vẫn rất thấp, mới chỉ đang ở mức độ tiệm cận. Dù muốn hay không thì Việt Nam vẫn cần phải tham gia vào các bảng đánh giá trên thế giới để khẳng định việc hội nhập của mình.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hiện cả nước có 23 trường đại học đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính; kết quả là đã có nhiều đổi mới về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo.
Theo Thứ trưởng, về định hướng, phải thể chế hóa tự chủ đại học, trong đó sửa Luật Giáo dục Đại học là vấn đề hết sức cấp bách. Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường tự chủ đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, hành chính.
"Một vấn đề thực tế đang gây khó khăn cho quá trình tự chủ ở các trường ĐH là mặc dù được tự chủ nhưng làm gì cũng phải xin phép. Do vậy, cần sớm tạo hành lang pháp lý, tạo ra sự yên tâm cho các trường.
Giáo dục của chúng ta còn nhiều tiềm năng, nhưng cần đổi mới để tạo ra sự phát triển. Cùng với đó, tự chủ nhưng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong toàn xã hội" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Trao đổi tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vấn đề cần tự chủ trong chương trình chứ không phải tự chủ về tài chính. Nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính thôi, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng.
Các trường hầu như mới chỉ chú ý đến cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí. Điều này nếu không được điều chỉnh có thể sẽ trở thành nguy cơ lớn đối với nền giáo dục.
Lãnh đạo trường Đại học Huế cũng nêu quan điểm: Hiện nay có nhiều mô hình đại học nhưng liên kết còn kém, chủ yếu đóng khung trong các trường đơn ngành. Cần làm sớm, làm nhanh khái niệm "tự chủ" với các trường, tránh tình trạng chỉ loay hoay với tự chủ tài chính, đặc biệt là học phí.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: Chúng ta cần phải hiểu đúng ý nghĩa của cụm từ "tự chủ đại học" và "luật hóa" trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi tới đây.
"Tự chủ về tài chính phải hiểu là tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Nguồn thu có từ học phí, hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, kết hợp tác với doanh nghiệp, thu từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng và quan trọng vẫn là ngân sách nhà nước. Khi có tự chủ về nguồn thu, các trường được tự chủ về việc chi.
Hiện nay, nhiều trường đại học có tiền không phải từ nhà nước mà tiền thu từ học phí và các nguồn khác ngoài ngân sách nhưng muốn làm gì cũng đều phải xin phép. Những vấn đề này cần được luật hoá một cách rõ ràng trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và các luật có liên quan".