Các trường ĐH có đủ "36 cách" tuyển sinh nếu không tổ chức thi THPT quốc gia
Với tình hình dịch bệnh phức tạp, chưa ai có thể chắc chắn học sinh có thể quay lại trường trước 15/6. Về kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Nếu lịch học muộn hơn 15/6, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp”.
Như vậy, các trường đại học ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng trong công tác xét tuyển thí sinh cho năm học mới. Để thích ứng với điều kiện hiện tại, nhiều trường đã lên phương án tuyển sinh riêng, tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 7...
ĐH Mỏ - Địa chất có 4 phương án tuyển sinh
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng đào tạo Đại học Mỏ - Địa chất cho hay: "Như mọi năm thì Đại học Mỏ - Địa chất cũng có các phương án tuyển sinh, trong đó sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là 1 trong 4 phương án.
Nếu năm nay không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì nhà trường vẫn tuyển sinh theo 3 phương án còn lại: Xét tuyển theo học bạ; Xét tuyển thẳng HSG theo kết quả học THPT, HSG cấp quốc gia, quốc tế; Thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/06/2020) đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 450 trở lên hoặc TOEFL iBT 53 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi THPTQG năm 2020 theo tổ hợp môn xét tuyển của Trường trừ môn thi Tiếng Anh, đạt từ 10 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán".
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát cho biết thêm, ngoài 3 phương án trên, sinh viên vào trường sẽ được làm một bài test nhanh về ngoại ngữ và kiến thức khoa học tự nhiên để phân lớp và phân biệt trình độ.
Ngoài ra còn phỏng vấn ngành và chuyên ngành mà thí sinh đăng ký, tìm hiểu kiến thức xã hội của sinh viên khi đăng ký chọn ngành, chọn nghề.
"Nếu Bộ GD&ĐT có phương án phù hợp, cụ thể thì việc tuyển sinh của các trường cũng dễ hơn bởi dù sao bài thi quốc gia cũng kiểm tra được kiến thức của học sinh trong cả quá trình.
Còn nếu dịch bệnh phức tạp, không tổ chức được kỳ thi quốc gia thì các trường ĐH phải tự lo việc tuyển sinh vì các trường được giao tự chủ rồi. Các trường như ĐH Mỏ - Địa chất sẽ có bài test kiểm tra đầu vào.
Tuy nhiên, tôi nghĩ đầu vào chỉ là một phần, quan trọng là chất lượng đầu ra mà mỗi trường phải đảm bảo. Trong quá trình học, nhà trường cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng như thế nào để đảm bảo được yêu cầu của xã hội sau khi sinh viên tốt nghiệp", PGS.TS Nguyễn Đức Khoát chia sẻ.
ĐH Thủy Lợi lên phương án cho mọi tình huống
Trao đổi về phương án tuyển sinh nếu không tổ chức thi THPT Quốc gia, TS. Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy Lợi cho biết: "Tất nhiên, ĐH Thủy Lợi cũng đã lên phương án cho mọi tình huống có thể xảy ra trong việc tuyển sinh bao gồm cả khả năng không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm này chia sẻ về các phương án thì hơi sớm.
Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng học sinh có thể quay lại trường trước 15/6 để có thể thực hiện được kế hoạch của kỳ thi THPT quốc gia".
Ảnh minh họa |
ĐH Kinh tế Quốc dân có đề án tuyển sinh riêng từ 2017
Còn PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: “Nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi THPT Quốc gia thì trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn tổ chức xét tuyển như các năm trước.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã có đề án tuyển sinh riêng từ năm 2017. Tương tự như trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ thi 01 bài Kiến thức tổng hợp, môn tiếng Anh và thực hiện sơ tuyển.
Theo đó, phương án thi sẽ tổ chức tuyển sinh 2 kỳ/năm, kỳ mùa Xuân và kỳ mùa Thu. Với môn thi tiếng Anh có thể chỉ là môn điều kiện, không tính vào điểm xét tuyển. Bài thi Kiến thức tổng hợp dùng để xét tuyển. Tuy nhiên, nếu tổ chức được kỳ thi quốc gia thì vẫn là tốt nhất cho thí sinh”.
ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng
Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh riêng năm 2020. Theo đó, trường dự kiến sẽ tổ chức một kỳ thi riêng, lấy khoảng 70% chỉ tiêu hệ đại học chính quy của từng khối ngành (không quá 80%). Tỉ lệ này có thể thay đổi trong trường hợp có sự biến động lớn về kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Đại học Bách khoa Hà Nội nêu rõ, các thí sinh sẽ thực hiện làm 3 môn/bài thi trong 1 buổi duy nhất, vào chiều 25/7, tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong một buổi với thời gian làm bài 180 phút, riêng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh thời gian làm bài 210 phút.
Đối với khối kỹ thuật, kinh tế: Thi một buổi trên giấy với 3 môn Toán (85 - 90 phút), Đọc hiểu (30 - 35 phút) và Môn thứ ba (60 phút). Tổng thời lượng bài thi 180 phút.
Đối với ngành Ngôn ngữ Anh: Thi một buổi với bài thi trên giấy 2 môn Toán (85 - 90 phút) và Đọc hiểu (30 - 35 phút), tổng thời lượng bài thi trên giấy 120 phút; Môn thứ ba là tiếng Anh (90 phút) thi trên máy tính.
Tất cả các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận (tự luận ngắn làm trực tiếp lên bài thi có đề và ô trống).