Các ngân hàng đã thực sự quan tâm đến phòng, chống rửa tiền?
Trong hoạt động phòng, chống rửa tiền, một trong những yếu tố quan trọng đó là đào tạo cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này. Trên thực tế, cho đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng trong nước hầu như đã thành lập các bộ phận chuyên trách về phòng chống rửa tiền.
Từ sau Nghị định 74/2005/NĐ-CP, hầu hết các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã ban hành các quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức của nhân viên.
Ảnh: Minh họa |
Tuy nhiên, nhìn chung các ngân hàng chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa đầy đủ và đúng mức về vấn đề này. Lý giải thực trạng này, bà Nguyễn Mai Phương, Luật sư thành viên Công ty TNHH Luật Zico (Vietnam) cho rằng, một phần nguyên nhân là bởi trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để đảm bảo hoạt động và lợi nhuận của mình, mục tiêu tối thượng của các ngân hàng là tập trung các nguồn lực để thu hút khách hàng, huy động các nguồn tiền cũng như đảm bảo hạn chế tối đa những rủi ro cho mình thay vì đầu tư lớn cho hoạt động đào tạo các bộ chuyên trách nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các khoản tiền của khách hàng.
Thông tư 31/2014/TT-NHNN đã quy định yêu cầu các tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống rửa tiền hàng năm. Nếu Thông tư này được thực hiện nghiêm túc, chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực trong lĩnh vực này trong tương lai.
Như đã nói ở trên, việc một số ngân hàng vì các lý do khác nhau đã không chú trọng đến công tác phòng, chống rửa tiền. Các giao dịch đáng ngờ có thể đã hoặc sẽ được bỏ qua mà không báo cáo lên Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).
Một số ý kiến cho rằng chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam cũng có thể tạo ra kẽ hở để các đối tượng chuyển tiền về Việt Nam phục vụ các hoạt động phạm pháp, cũng như thực hiện các hoạt động rửa tiền. Kiều hối được xem như là nguồn “vốn” thứ hai của Việt Nam, sự thông thoáng về chính sách của Nhà nước góp phần thu hút mạnh mẽ nguồn kiều hối. Luật sư Nguyễn Mai Phương cho rằng việc có hay không sự lợi dụng chính sách kiểm soát nới lỏng đối với nguồn tiền này để thực hiện các hoạt động rửa tiền, đến nay không ai dám khẳng định, bởi thực tế, chưa có vụ việc nào được cơ quan chức năng phát hiện.
Tuy nhiên, đây cũng chính là mặt trái của kiều hối và các chính sách tạo điều kiện cho kiều hối của nhà nước, khi nguồn tiền này liên tục tăng mạnh, người ta sẽ đặt ra câu hỏi liệu rằng kiều hối có đơn giản là khoản tiền dành dụm của người Việt sinh sống, làm việc ở ngoại quốc gửi về xây dựng đất nước.
Có thể tạm chia tội phạm rửa tiền thành hai đối tượng. Đối tượng thứ nhất là các cá nhân với các giao dịch cá nhân thông qua ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Đối tượng thứ hai là các tổ chức hoặc cá nhân lợi dụng tổ chức. Chẳng hạn như một trong những dấu hiệu của việc rửa tiền là tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức nước ngoài dùng tiền bất hợp pháp, sau một thời gian phân chia lòng vòng để xóa dấu vết, số tiền này sẽ được dùng để mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Trường hợp ví dụ như trên chỉ là “giả sử”. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi các vụ án kinh tế trong nước và quốc tế, Luật sư Nguyễn Mai Phương phải thừa nhận tội phạm trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi, nên việc nhận diện được dấu vết không phải là vấn đề đơn giản.
“Để nhận diện được các dấu hiệu và sự việc, chắc chắn phải cần hệ thống theo dõi hiện tại, các phân tích có tính chuyên môn và nghiêm túc của các chuyên gia có kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại. Tôi không cho rằng các tổ chức tài chính có thể dễ nhận diện được các giao dịch này trong hoạt động kinh doanh của họ. Ngay cả ở các nước có hoạt động ngân hàng phát triển, việc tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền cũng vẫn gặp những khó khăn và phải đầu tư nhiều yếu tố để loại bỏ hay phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực này.”, Luật sư Nguyễn Mai Phương chia sẻ.
Cũng theo bà Phương, một việc làm quan trọng để thực hiện phòng, chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng của chúng ta hiện nay là cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn tiền được gửi hay “rót” vào các ngân hàng. Đôi khi, chính bản thân các ngân hàng biết rõ sự bất hợp pháp của khoản tiền mình được nhận, nhưng vì lợi nhuận, họ cố tình lơ là hoặc thậm chí có thỏa thuận ăn chia với các cá nhân, tội phạm muốn rửa tiền.
“Khi có thêm nhiều các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam, điều tất yếu là sức cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ càng tăng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những quy định cần thiết vừa thắt chặt để kiểm soát dòng tiền giao dịch của các ngân hàng, nhưng phải phù hợp để đảm bảo không gây khó khăn trong quá trình hoạt động của các ngân hàng cũng như người dân khi giao dịch bằng nguồn tiền chân chính”.
Theo ông Christopher Batt, Cố vấn khu vực Mekong về Phòng, chống rửa tiền và Tài trợ cho khủng bố, hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều có các cơ chế chống rửa tiền rất chặt chẽ. Trong đó bao gồm thẩm định chi tiết về khách hàng và luôn tuân thủ chặt chẽ việc báo cáo về các giao dịch đáng ngờ. Đây chính là một thành phần thiết yếu của cơ chế chống rửa tiền của một quốc gia.