Các giáo sư ngôn ngữ học giải mã lối xưng hô “qua” của Đặng Lê Nguyên Vũ
Một phát ngôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Tô Thanh Tân |
Trong buổi lễ này, người của Trung Nguyên đặc biệt dùng từ "Người" và "Vị chủ tịch tôn kính" để nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Đó cũng là lần đầu tiên công chúng được biết ông chủ tập đoàn cà phê Trung Nguyên với lối trang phục và xưng hô khác lạ: Ông Vũ mặc áo khoác dài đen, quần vải trắng rộng thùng thình, cổ quấn khăn rằn, chắp hai tay sau lưng và xưng “qua”, gọi những người xung quanh là những “anh chị em” của mình.
Đến hôm qua 13.8, lần đầu tiên ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên chính thức có buổi gặp gỡ với một nhóm nhỏ báo giới.
Lần này, ông đi giày trắng, quần trắng, vest ngoài màu đen, xếp bằng với tư thế ngồi thiền trên chiếc ghế chính giữa khi các khách mời đã an tọa. Bên phải và đối diện ông là 6 nhà báo, bên trái ông là 3 luật sư, những người đang tư vấn, hỗ trợ ông trong phiên toà ly hôn.
Tiếp tục trong lần tái xuất này, ông Vũ xưng "qua", gọi các nhà báo ngồi đối diện là các "anh chị em".
Lý giải về cách xưng hô có phần kỳ lạ này, dưới góc nhìn ngôn ngữ các chuyên gia thống nhất “qua” là đại từ xưng hô ngôi thứ nhất thuộc phương ngữ miền Trung Nam Bộ.
Đại từ “qua” sử dụng với ý nghĩa gần gũi, thân mật và thường sử dụng với người đặc biệt thân quen. Tuy nhiên, mỗi chuyên gia lại đưa ra những kiến giải và bình luận khác nhau về cách xưng hô “qua” của ông Vũ.
Bắt nguồn từ tiếng Hán?
GS. Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam phân tích “qua” trước hết không thuộc về ngôn ngữ văn học, mà là phương ngữ miền Nam.
Ở miền Nam đặc biệt là trước năm 1975 người ta rất hay sử dụng. Từ này mang ý nghĩa phong cách, tu từ nhất định với sắc thái tình cảm khác nhau.
“Ông Vũ sử dụng từ "qua" với ý nghĩa gần gũi thân mật, vì "qua" giống như xưng tôi nhưng tôi rất trung tính. Nếu cử tọa là những người miền Nam thì người ta hiểu ngay.
Theo tôi, từ này không phải từ thuần Việt mà rất có thể là mượn từ tiếng Hán nhưng không phải tiếng Quan thoại - tiếng Hán chính danh của Trung Quốc. Đó là mượn phương ngữ phía Nam của Trung Quốc như vùng Quảng Đông, Phúc Kiến… từ những người Việt gốc Hoa chẳng hạn”. – GS Lợi cho biết thêm.
Hoàn toàn thuần Việt?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đại từ xưng hô “qua” hoàn toàn thuần Việt. Giáo sư Lê Phương Nga (ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích:
“Nguyên tắc dùng "qua" là người nói phải lớn tuổi hơn người nghe rất nhiều. Chẳng hạn như ông cụ 80 tuổi nói với lớp 30, 40 tuổi. Từ này theo tôi là thuần Việt vì nguyên tắc những tiếng dùng đơn không bắt nguồn từ tiếng Hán vì tiếng Hán không dùng độc lập được.
Trong trường hợp này, ông Vũ nói tiếng cổ Nam Bộ với nghĩa thân tình cũng không sao”.
Trao đổi về đại từ này, PSG.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: “"Qua" là phương ngữ hoàn toàn thuần Việt. Qua sử dụng tương tự như từ tao, thân tình, bỗ bã với nhau người trên nói với người dưới. Từ này cũng chỉ có đàn ông lớn tuổi dùng, phụ nữ cũng không sử dụng.
Người miền Trung Nam Bộ hay đùa giỡn “qua với chúng bay” hay “hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua”. Đầu tiên qua chỉ là phương ngữ một vùng thôi nhưng nó đang lan tỏa. Độc quyền phương ngữ hay ranh giới phương ngữ bị làm nhòe. "Qua" không phổ biến lắm nhưng nó không đến nỗi xa lạ với người Việt Nam nói chung”.
Bình luận về việc ông Nguyên Vũ xưng “qua” trong buổi gặp gỡ báo giới, PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng: “Ông Vũ muốn thân tình hóa, làm bối cảnh giao tiếp như một cuộc trò chuyện. Nhưng theo tôi hoàn toàn không nên dùng trong trường hợp này vì những phóng viên ít nhất có khoảng cách nhất định. Trong buổi gặp gỡ báo chí, có nhiều đối tượng tham gia nên dùng từ tôi phổ biến, trung tính, trang trọng thì hơn”.
Theo laodong.vn