Các địa phương nghiêm túc triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm
Các địa phương đã dựa vào tình hình thực tế trên địa bàn mình, vạch ra những kế hoạch, mục tiêu cụ thể phù hợp với thực tiễn.
Quảng Nam phấn đấu giảm 5-10% tổng số vụ phạm tội hình sự
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của tỉnh là đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, phấn đấu đến năm 2025 giảm từ 5 - 10% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan trực tiếp đến suy thoái đạo đức gia đình, xã hội...
Đảm bảo tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, đối với các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trên tổng số án khởi tố. Hàng năm, bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã (trong đó trên 40% số đối tượng truy nã mới phát sinh).
Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương dưới 01%; ít nhất 80% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% trong tổng số xã, phường, thị trấn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự, nhất là ở cấp huyện; đảm bảo nhân lực, vật lực để thực hiện việc ghi âm, ghi hình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo lộ trình quy định.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 1643/KH-UBND ngày 20/7/2016 về triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: ANHP.vn |
Kon Tum đặt mục tiêu giảm tỉ lệ tái phạm tội ít nhất 15%
UBND tỉnh Kon Tum đã cụ thể hóa việc triển khai Chiến lược bằng việc ban hành kế hoạch hành động số 1643/KH-UBND.
Theo kế hoạch này, các mục tiêu mà Kon Tum hướng tới đến năm 2020, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, phấn đấu giảm từ 3-5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95% trên tổng số án khởi tố; hằng năm, bắt giữ, vận động đấu thú 30% số đối tượng truy nã.
Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
Chủ động phòng ngừa, điều tra, xử lý các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ án kinh tế, không để thất thoát tài sản lớn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự, nhất là ở cấp huyện.
Đảm bảo nguồn lực (nhân lực, vật lực) thực hiện công tác điều tra, tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết đánh giá thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đầu tư nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, duy trì các mục tiêu đạt được, xác định mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong từng giai đoạn 05 năm, với định hướng: tiếp tục phát huy sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, giảm các loại trọng án, giảm tội phạm ở các địa bàn trọng điểm; xây dựng một xã hội trật tự, văn minh, mọi công dân có ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ pháp luật, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đảm bảo “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, không để xảy ra oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự.
Quảng Bình phấn đấu giảm 3-5% tổng số vụ phạm tội hình sự
Theo kế hoạch số 1762/KH-UBND Quảng Bình về việc thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 03-05% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm hàng năm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên.
Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Mặt khác, Kế hoạch cũng xác định trên cơ sở tổng kết đánh giá thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, các cấp, các ngành và địa phương tập trung đầu tư nguồn lực, thực hiện đồng bộ giải pháp củng cố, duy trì các mục tiêu đạt được, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong từng giai đoạn 05 năm với định hướng giảm tội phạm ở địa bàn trọng điểm, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
TP. Cần Thơ nỗ lực không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch mà Cần Thơ đưa ra là đến năm 2020 là nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội...
Phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trên tổng số án khởi tố. Hàng năm, bắt, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã (trong đó trên 40% số đối tượng truy nã mới phát sinh).
Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ làm công tác truy tố, xét xử và thi hành án hình sự nhất là ở quận, huyện; đảm bảo nguồn lực cho việc tổ chức ghi âm, ghi hình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo lộ trình quy định. Không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.