Các địa phương khẩn trương hoàn thiện khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19
Ngày 25/10, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế để bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến sẵn sàng đáp ứng các cấp độ dịch Covid-19.
PGS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác tại BV Dã chiến ở TP.HCM. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và điều trị Covid-19, trong đó có:
Kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19 và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4, đồng thời bảo đảm trang bị đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tương ứng với số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Củng cố hạ tầng kỹ thuật về ô xy y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để bảo đảm cung cấp ô xy y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống ô xy trung tâm để cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén, đủ số vỏ chứa ô xy như bồn, bình và chai khí ô xy y tế tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến quận, huyện trở lên. Hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Xây dựng các chỉ số cụ thể để làm căn cứ đánh giá triển khai kế hoạch, bao gồm các chỉ số về số giường hồi sức tích cực, hạ tầng kỹ thuật ô xy y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Ngoài ra, các địa phương phải củng cố hệ thống khám chữa bệnh. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có kế hoạch thiết lập khu điều trị Covid-19 ngay trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện tại để sẵn sàng vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19, thực hiện chuyển tuyến khi vượt quá năng lực chuyên môn; Thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý điều trị chặt chẽ ngay tại khu điều trị Covid-19, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 cho các trường hợp có triệu chứng nghi mắc Covid-19 và xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ để phát hiện ca bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đào tạo, tập huấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao cho bác sĩ và điều dưỡng đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị, để bảo đảm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, y tế Bộ, ngành, y tế tư nhân thực hiện được các kỹ thuật hồi sức cấp cứu cơ bản; các bệnh viện đa khoa từ tuyến quận, huyện trở lên thực hiện được các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và một số bệnh viện chuyên khoa (như truyền nhiễm, phổi..) thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo, lọc máu…
Tiếp tục và tăng cường chỉ đạo đào tạo, tập huấn chuyên môn về chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho tất cả cán bộ y tế.
Triển khai các giải pháp để tăng cường chất lượng công tác khám, chữa bệnh và điều trị dịch bệnh; rà soát bảo đảm chỉ định và thời gian điều trị nội trú phù hợp; tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh (như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặt lịch khám qua hẹn; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh…); thực hiện kê đơn cấp thuốc điều trị ngoại trú cho tối đa là 3 tháng đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định; đa dạng các loại hình khám bệnh, chữa bệnh như khám, chữa bệnh từ xa.
Đầu tư nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (đặc biệt là các khoa Hồi sức tích cực) đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và thu dung, điều trị Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tật và Covid-19.
K.Chi