"Các ca khúc về Đà Nẵng nghe sao... cứ nhàn nhạt!"
Ngày đất nước mới thống nhất, trong trào lưu cuồn cuộn của dòng nhạc cách mạng, Đà Nẵng đã có những ca khúc vang vọng một thời. Bản thân tôi khi còn bé, ở tận ngoài Bắc đã nghe và rất yêu thích những bài như Sông Hàn vang tiếng hát của nhạc sĩ (NS) Huy Du hay Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi của NS Nguyễn Đức Toàn.
Các ca khúc về Đà Nẵng nghe sao vẫn nhàn nhạt! (Ảnh: HC) |
Non sông hòa bình rồi, dòng nhạc chính thống khai thác mạnh vào đề tài kiến thiết và ngợi ca đất nước, quê hương. Những ca khúc như Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, Nha Trang mùa Thu lại về, Vũng Tàu biển hát, Trị An âm vang mùa Xuân, Sông Dakrong mùa Xuân về... đã thôi thúc triệu triệu con tim. Cái khí thế ấy hừng hực ấy còn cuốn theo cả chính những người sáng tác.
Đến như Trịnh Công Sơn, một nhạc sỹ của những Diễm xưa, Cát bụi... cũng hòa vào giàn đồng thanh với Em ở nông trường, em ra biên giới. Qua những ca khúc ấy, những địa danh Nghệ Tĩnh, Nha Trang, Vũng Tàu, Trị An, Dakrong... trở nên thân thương quá đỗi. Lúc ấy Đà Nẵng ở đâu?
Những năm 80, 90 thế kỷ trước, các ca khúc dậy sóng vẫn thuộc đề tài tình yêu quê hương như Hà Nội đêm trở gió hay loạt ca khúc về Tây Nguyên, về Nam Bộ của các NS Trần Tiến, Nguyễn Cường. Thời đó cũng vắng cái tên Đà Nẵng.
Những năm tiếp theo, nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng vẫn thường gắn với hình bóng quê hương. Ta thấy đó một Đắc Lắc dữ dội trong Ly cà phê Buôn Mê, một Hà Nội da diết trong Có phải em mùa Thu Hà Nội hay một Huế mơ mộng trong Huế thương... Còn Đà Nẵng đâu rồi?
Khách quan mà nói, các nhạc sỹ Đà Nẵng như Đình Thậm, Trần Ái Nghĩa, Thái Nghĩa... cũng chẳng kém tài nhưng các ca khúc về Đà Nẵng thực là chưa vượt qua được địa giới hành chính. Người tỉnh khác hầu như không ai hát các ca khúc Đà Nẵng trừ khi... được thuê. Phải chăng các nhạc sỹ của Đà Nẵng còn thiếu một cái gì đó giống như vận động viên nhảy xa thiếu tấm ván để dậm nhảy và bật vọt?
Có người lý giải thời buổi giờ khó tìm cảm hứng. Tôi không đồng tình ý kiến này.
Ai cũng biết muốn có tác phẩm hay phải có cảm hứng đầy. Chiến tranh đã lùi xa, cái khí thế kiến thiết nay cũng khác xưa rồi, không ai đòi hỏi nhạc sỹ cứ mãi tìm cảm hứng qua vết chân tròn của người lính hay giọt mồ hôi muối trên lưng cô gái trẻ. Thế nhưng cảm hứng sáng tạo làm gì có giới hạn. Van Gogh chỉ cần đôi giày cũ, Picasso chỉ cần vài tĩnh vật đã có thể khiến cả thế giới phải ngẩng đầu.
Nói đâu xa, cụ Bùi Xuân Phái – cây đại thụ hội họa Việt Nam cũng toàn vẽ về góc phố liêu xiêu, mốc thếch đó thôi. Anh Lê Minh Sơn thì nổi lên nhờ cái tình vấn vương, vương vấn với bờ ao nhà mình. Anh Nguyễn Vĩnh Tiến được mến mộ với hình ảnh người bà trên con đường làng quanh co, quanh co. Lại cô Giáng Son gây bất ngờ khi thổi hồn cho chiếc quạt giấy...Đâu cứ phải lúc nào cũng đao to, búa lớn hay chói lọi, huy hoàng.
Đà Nẵng trước đây và cả bây giờ đâu thiếu nguồn cảm hứng. Thiên nhiên mãi đẹp tươi, làng nghề vẫn còn đó, dấu tích lịch sử còn đây, vóc dáng đô thị đang thay đổi từng ngày. Chẳng lẽ những Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà và những bờ biển dài xanh ngát không tạo nên cảm hứng. Chẳng lẽ những căn hầm bí mật vẫn lặng lẽ ẩn mình giữa lòng thành phố không gây nhói lòng. Chẳng lẽ những sáng tạo của người thợ mỹ nghệ không đáng để động tâm, những cây cầu lung linh không thể ngỏ ý gì...
Vả lại, trong sáng tác nhiều khi cái nỗi riêng lại trở thành niềm chung, ấy là sự thoát xác, vượt tầm. Vẫn biết con sông trong Khúc hát sông quê chính là sông Lam nhưng có ai bảo đấy là một khúc địa phương ca. Tác giả đã nâng tầm sông Lam thành dòng sông chung - dòng sông cuộc đời chở đầy kỷ niệm bao kiếp người. Chắc hẳn góc phố ngát mùi hương nơi đôi trai gái hẹn hò trong Hương Ngọc Lan là ở đất Hà Thành nhưng mùi hương ấy vẫn tỏa lan khắp mọi nẻo tình yêu. Chẳng lý gì những lời đẹp, ý cao cứ phải tự hạn hẹp riêng tây trong xứ mình.
Lại có người bảo cái từ “Đà Nẵng” khó đưa vào ca khúc lắm. Càng không đồng tình nữa. Nói thế thì những cái tên Hồ Kẻ Gỗ, Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất thì sao? Mà đâu phải viết về Đà Nẵng là nhất thiết phải có từ “Đà Nẵng”.
Tự thân chẳng làm được thì nhờ người. Đà Nẵng cũng đã mời nhiều nhạc sỹ nổi tiếng đến và sáng tác, nhưng thực tình những ca khúc như Chiều Đà Nẵng của NS Trần Hoàn, Người Đà Nẵng của NS Thụy Kha hay Sông Hàn tình yêu của tôi của NS An Thuyên...nghe sao vẫn nhàn nhạt. Có lẽ những nhạc sỹ này chỉ mới đến, thấy và chạm tới chứ chưa thấm vào Đà Nẵng.
NS An Thuyên thì bảo Đà Nẵng mời sáng tác rồi bỏ lửng các tác phẩm nên nó chẳng đến đâu. Tôi nghĩ hữu xạ tự nhiên hương, bài hát đã hay thì có muốn bỏ lửng cũng chẳng được, nó vẫn thoát ra và bay cao.
NS Thụy Kha chỉ còn đường giải thích là Đà Nẵng chưa có duyên. Nghe cũng có lý nhưng chẳng lẽ ngồi đó mà chờ dài cho đến duyên.
Với hiểu biết hạn hẹp của một tay ngang chính hiệu, tôi chỉ nghĩ nôm na là Đà Nẵng chưa tạo ra một môi trường âm nhạc khỏe mạnh. Môi trường ấy phải bao gồm cả sáng tác, trình diễn và thưởng thức.
Cái môi trường ấy lại có hai phần, hồn và xác. Phần hồn tức là các hoạt động về đào tạo, tổ chức biểu diễn, tuyên truyền, quảng bá... Phần xác tức là cơ sở vật chất.
Phần hồn thì cần các nhà quản lý giỏi có thể tạo điều kiện ươm mầm tài năng, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng biểu diễn, phổ cập sâu rộng vào đời sống...đưa âm nhạc trở thành món ăn tinh thần ngày càng hấp dẫn cho công chúng.
Phần xác có thể thấy chúng ta đang rất yếu. Cả thành phố triệu dân chỉ có một nhà hát Trưng Vương. Ở đó chủ yếu dành cho các ca sỹ thành danh ở tỉnh ngoài với giá vé không hề nhẹ. Thử hỏi dân vùng xa như Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Phước mỗi năm xem được mấy lần. Rồi các ca sỹ tầm tầm hát ở đâu ngoài phòng trà, tiệc cưới...
Nếu Mỹ Tâm, Hoàng Vũ có ở lại Đà Nẵng cũng chẳng thể tiến xa. Thành phố được coi là trung tâm của Miền Trung về nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, mà chỉ có một trường trung cấp văn hóa – nghệ thuật, nay đang xin lên cao đẳng. Phường Hải Châu I là phường trung tâm của quận trung tâm mà không có nổi một trung tâm văn hóa, phải lấy đình làng để ... tá túc.
Chúng ta phải tạo điều kiện cho mọi người dân trên khắp vùng Đà Nẵng được sinh hoạt âm nhạc thường xuyên, các ca sỹ mầm non và ca sỹ tầm trung có nhiều đất diễn. Muốn vậy cần có nhiều cơ sở sinh hoạt. Thành phố cần có thêm vài nhà hát lớn, mỗi quận, huyện đều phải có nhà biểu diễn, các phường đều phải có trung tâm văn hóa. Bấy nhiêu cũng chẳng phải là điều gì quá xa xỉ nếu biết rằng đó chỉ là những chỉ tiêu thông thường của một đô thị, đã được xây dựng thành quy chuẩn.
Có người sẽ bảo bày ra nhiều rồi lại để không, lãng phí. Vậy lại phải quay lại câu chuyện quản lý. Người nào để không thì phải xem lại năng lực và trách nhiệm.
Thực tế cho thấy nhiều ca sỹ, nhạc sỹ thành danh cũng từ phong trào đi lên. Cũng như trong bóng đá, muốn có Messi, Ronaldo, Neymar thì trước hết phải có phong trào. Mà ở Argentina, Bồ Đào Nha hay Brazil thì trẻ em đá bóng ở khắp nơi từ trường học, đường phố đến bãi biển. Có phong trào mạnh thì mới nổi lên những nhân tố vượt trội để trở thành ngôi sao. Muốn có ca khúc để đời cho Đà Nẵng, thay vì nóng vội ép trái non hay mượn người làm hộ, chúng ta cần có chiến lược đầu tư lâu dài và căn bản.
Mà nói cho cùng, cái đích chúng ta hướng tới không phải là một vài ca khúc tiếng tăm để bằng anh, bằng chị mà phải là một cái nền âm nhạc lành mạnh, phong phú, có chiều sâu, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Chúng ta cần những cánh đồng trĩu hạt, mùa này qua mùa khác chứ không phải chỉ vài bông lúa to để trưng bày. Khi đã có những vựa hạt mênh mông, thảm vàng bát ngát thì còn lo gì thiếu những bông lúa to.
Ươm mầm thật tốt rồi đến lúc chúng sẽ hưởng hoa thơm, trái ngọt. Nếu được đầu tư hợp lý có thể 10 hay 15 năm nữa khi chúng ta có lực lượng sáng tác đông đảo và tài năng ắt sẽ có nhiều ca khúc lớn. Ngay lúc này cần quan tâm nhiều các cơ sở vật chất về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng.