Ca sĩ Trâm Anh qua đời do căn bệnh ung thư có số người mắc mới nhiều nhất ở nước ta
Chỉ sau 5 tháng được bác sĩ báo tin mắc ung thư gan, nữ ca sĩ Trâm Anh (Angela Trâm Anh) sinh năm 1985 đã qua đời tại Mỹ vào sáng 1/6.
Cách phát hiện sớm căn bệnh ung thư mắc nhiều nhất ở Việt Nam
Ung thư gan là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta trong năm 2018 với 26.412 trường hợp, đáng lưu ý số người tử vong vì căn bệnh này tới 25.272 ca gần tương đương số người mắc mới.
Ca sĩ Trâm Anh tử vong sau 5 tháng mắc căn bệnh có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta |
Cô được khán giả biết đến qua một số ca khúc như Lẻ loi ngày không anh, Thiên đường tình yêu, Không cần nói... Đầu năm 2021, trước ngày sinh nhật tuổi 36 không lâu, Trâm Anh phát hiện mắc ung thư gan. Sau 5 tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 6 trên thế giới, có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta, nữ ca sĩ người Việt đã qua đời.
Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với với trên 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Theo báo cáo của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ viêm gan B và C, có tỉ lệ ung thư gan cao so với mức chung của thế giới. Gần đây có nhiều ca bệnh ung thư gan mà người bệnh chỉ biết mình bị bệnh khi đã ở giai đoạn cuối, di căn. Như trường hợp nữ ca sĩ Trâm Anh là ví dụ điển hình. Cô phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn nên thời gian kéo dài sự sống chỉ vỏn vẹn 5 tháng.
TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho biết, ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta trong năm 2018 với 25.335 trường hợp. Đáng ngại hơn, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh.
Theo kết quả ghi nhận ung thư từ năm 2012 - 2017 tại TP.HCM cho thấy, ung thư gan ở nam giới chiếm 16,4% tất cả các vị trí ung thư, là ung thư đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Đối với nữ giới, ung thư gan chiếm 6,5% tất cả các vị trí ung thư, là ung thư đứng hàng thứ 6 sau ung thư vú, tuyến giáp, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan theo TS. BS Phạm Tuấn Anh, đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính (thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc…. cũng dễ bị ung thư gan.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá..
Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. “Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị”, TS. BS Phạm Tuấn Anh nêu.
Theo đó, ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển: Chán ăn; Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; Trướng bụng; Vàng da, củng mạc mắt,…
Ở giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh: Sụt cân không rõ nguyên nhân; Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn; Luôn có cảm giác ngứa; Trướng bụng; Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; Vàng da, củng mạc mắt; Đi ngoài phân trắng/bạc màu.
Cũng theo BS. Tuấn Anh, điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức, việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan phải phụ thuộc vào mức độ lan rộng của tổn thương và tình trạng xơ gan, các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm: phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị hay điều trị nhắm trúng đích...
Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì số lượng ngày càng gia tăng, tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác. Không phải khi nào bệnh nhân cũng có dấu hiệu lâm sàng, mà khi đã có dấu hiệu tức bệnh đã ở giai đoạn muộn, khối u đã to và không phẫu thuật được nữa thì dưới 6 tháng kể từ khi phát hiện bệnh, bệnh nhân có thể tử vong.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân phòng bệnh bằng hạn chế các yếu tố nguy cơ. Muốn loại trừ căn nguyên ung thư gan thì phải tiêm vắcxin ngừa viêm gan virus và sống lành mạnh, như không uống rượu bia...
Theo đó, cách tốt nhất để phòng ngừa là tiêm đầy đủ vacxin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.
“Ngoài ra, để phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,…. Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.” – ThS.BS Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
N. Huyền