Cà phê Đà Lạt đỡ mối lo "xanh nhà hơn già đồng"
Nông dân mừng vui với vườn cà phê chín đỏ |
Vùng cà phê Nam Ban bước vào vụ thu hoạch niên vụ 2015. Những cành cà phê trĩu quả , chín đỏ suốt dọc những con đường thôn, đường xóm. Mùa này, cà phê Nam Ban đã không còn nỗi lo “xanh nhà hơn già đồng”.
Ông Nguyễn Như Luân, Tổ trưởng Tổ dân phố Đông Anh 5, thị trấn Nam Ban chia sẻ với chúng tôi: Mọi năm, giờ này là bà con đua nhau kêu công thu hái cà phê, trái xanh, chín gì cũng hái hết. Nhưng bây giờ, cà phê chúng tôi để chín đỏ đồng, đợi chín hết mới thu hoạch một lần, giá vừa cao, vừa đỡ công. Hai vụ này, cà phê Nam Ban không còn cảnh mất trộm ngay trên đồng nữa, bà con hết lo cảnh “xanh nhà hơn già đồng”. Chia sẻ của ông Luân cũng là niềm vui mừng của hàng ngàn hộ dân sống trong vùng cà phê Nam Ban. Đây là hiệu quả hoạt động của 20 tổ tự quản an ninh trật tự “dân cử dân nuôi” của thị trấn Nam Ban.
Nam Ban là một trong những vùng trồng cà phê chủ lực của Lâm Hà với 1.358ha cà phê Catimor và Robusta. Sản lượng bình quân mỗi ha đạt 4 tấn/vụ, là một trong những thu nhập chính của cư dân vùng kinh tế mới lâu nay. Và cũng từ nhiều năm nay, việc mất trộm cà phê tươi tại vườn xảy ra thường xuyên, kẻ trộm không chỉ hái trái mà còn chặt cành, thậm chí chặt nguyên cây khiến bà con thiệt hại rất lớn.
Vì vậy, người trồng cà phê đã mau chóng thu hoạch nhanh để tránh mất mát dù biết rằng, cà phê hái xanh chất lượng thấp, giá thu mua thấp. Ông Thái Văn Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban, người gắn bó với thị trấn nhiều năm chia sẻ, thị trấn luôn khuyến khích bà con hái cà phê chín để tăng giá trị hạt cà phê Nam Ban. Nhưng trước tình trạng mất trộm cà phê, chính quyền và nhân dân đều trăn trở tìm cách giải quyết. Niên vụ cà phê 2013-2014, Đảng ủy thị trấn đã triển khai nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác an ninh trật tự trên địa bàn, trong đó trọng điểm là huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và nhân dân bảo vệ an toàn vùng cà phê. Và từ đó, các tổ tự quản an ninh trật tự “dân cử dân nuôi” của thị trấn Nam Ban ra đời. 20 tổ tự quản được thành lập tại 20 tổ dân phố trên địa bàn toàn thị trấn.
Tổ tự quản bao gồm các thành viên thanh niên, dân quân tự vệ tại chỗ do bí thư chi bộ hoặc tổ trưởng dân phố làm tổ trưởng. Hàng đêm, thành viên của tổ chia ca đi tuần tra dọc đường thôn, ngõ xóm. Khi có vấn đề, người trực nhanh chóng báo cho các thành viên trong tổ, lực lượng công an và chính quyền địa phương phối hợp kịp thời xử lý. Nhờ bóng dáng của các thành viên chăm chỉ tuần tra trong đêm, các vụ mất cắp cà phê trên vùng Nam Ban đã chấm dứt, bà con yên tâm để cà phê chín đỏ đồng.
Anh Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho biết: “Vùng cà phê an toàn, bà con để trái chín đều, hái một lần, giảm tiền công và chi phí thu hoạch rất nhiều. Bên cạnh đó, giá cà phê chín cao hơn giá cà phê hái xanh từ 1-2 ngàn đồng/kg, tương đương bà con thu thêm từ 1-2 triệu đồng/tấn cà, chất lượng cà phê cũng được tăng lên rõ rệt”.
Để duy trì hoạt động của tổ tự quản an ninh trật tự, bà con mỗi tổ dân phố tự đóng góp tiền bồi dưỡng cho các thành viên trong tổ. Tùy tổ dân phố, mức đóng góp có thể từ 20 tới 50 ngàn đồng/hộ/năm. Số tiền này dùng để hỗ trợ thành viên hoạt động, tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên với anh em thanh niên, dân quân tự vệ. Từ hoạt động hiệu quả của lực lượng an ninh dân cử, những vườn cà phê đã được an toàn, bà con thoát khỏi cảnh hái cà phê xanh chạy mất trộm. Mô hình tổ tự quản bảo vệ cà phê của Nam Ban đã cho thấy hiệu quả thực tế, đồng thời có thể nhân rộng tại các vùng cà phê trong toàn tỉnh. Nhà nước và nhân dân chung tay đóng góp, sức mạnh của toàn cộng đồng sẽ giúp cà phê Lâm Đồng thoát cảnh “xanh nhà hơn già đồng”.
Nguồn: D.Quỳnh - N.Thu/baolamdong.vn