Cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc... suýt mất thương hiệu!
Ảnh minh họa |
Chia sẻ tại hội thảo về xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp ngày 4/7, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, do chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu nên các doanh nghiệp Việt Nam khi có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường nước ngoài lại gặp nhiều trở ngại, điển hình là việc bị xâm phạm quyền sở hữu.
“Một số các doanh nghiệp trong nước khi bước chân vào sân chơi quốc tế mới ngỡ ngàng khi thương hiệu của mình đã bị người khác đăng ký sở hữu tự khi nào. Đơn cử như trường hợp của Vinataba, khi muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài mới biết rằng mọi con đường đã bị chặn lại khi có một doanh nghiệp của Indonesia đã đăng ký sở hữu thương hiệu này tại tất cả các nước trong khu vực ASEAN, ngoài ra họ cũng đăng ký sở hữu thương hiệu này ở rất nhiều nước khác nữa. Vì vậy nên Vinataba không thể xuất khẩu thuốc lá của Việt Nam ra nước ngoài được”, ông Lâm cho biết.
Không riêng gì trường hợp của Vinataba, ông Lâm ví dụ thêm trường hợp của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột khiến doanh nghiệp này đã từng gặp khó. Cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân từ năm 2005 nhưng thương hiệu này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ.
Tương tự, một số doanh nghiệp như Cà phê Trung Nguyên, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… cũng từng “dở khóc, dở mếu” khi bị “cướp” mất thương hiệu tại một số nơi chỉ vì chưa đăng ký sở hữu trí tuệ nên dẫn tới bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), hiện nay, một số doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng thương hiệu, tạo uy tín trên thị trường và được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế.
“Điển hình như VietinBank nằm trong Top 400 Thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016 theo đánh giá của công ty Tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,686 tỷ USD; giá trị của Vinaphone là 1,04 tỷ USD; Mobiphone là 391 triệu USD…”, ông Tiến dẫn chứng.
Trên thế giới, thương hiệu được coi là tài sản vô cùng quan trọng của các công ty, có thương hiệu chiếm đến 70% giá trị doanh nghiệp.
Đánh giá về vấn đề giá trị thương hiệu, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, thương hiệu là tài sản vô hình mạnh mẽ nhất để tạo ra giá trị cho cổ đông và doanh nghiệp.