Cả nước có trên 6,5 triệu hộ gia đình được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH
Báo cáo của NHCSXH cho biết, tính đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 212.300 tỷ đồng, tăng 17.880 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng doanh số cho vay đạt 70.000 tỷ đồng, tăng hơn 7.900 đồng so với năm 2018, với gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Tổng dư nợ cho vay các chương trình đạt 207.500 tỷ đồng, tăng 19.708 tỷ đồng (+10,5%) so với cuối năm 2018, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 14.858 tỷ đồng (+9%) so với cuối năm 2018, hoàn thành 100% kế hoạch với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Trong năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho 266 nghìn lao động, trong đó giúp gần 7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình NS&VSMTNT; xây dựng 15,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự trị an trên địa bản và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể năm 2019 là phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý có liên quan trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy chế một số chương trình tín dụng; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Hiện cả nước có trên 6,5 triệu hộ gia đình được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH theo phương thức ủy thác thông qua 04 tổ chức hội, đoàn thể, với 177.460 Tổ tiết kiệm và vay vốn, giao dịch tại gần 11 nghìn Điểm giao dịch. Các tổ chức hội, đoàn thể đã quan tâm, phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác vận động hội viên, đoàn viên thực hành tiết kiệm và mang lại hiệu quả thiết thực và có trên 99,9% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi tiết kiệm của hơn 6 triệu tổ viên, với số dư 10.258 tỷ đồng, tăng 1.297 tỷ đồng (+14,47%) so với đầu năm. Cùng với đó, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được quan tâm. Tính đến nay, số tổ đạt loại tốt chiếm 79,75%, tổ khá chiếm 14,31%, tổ trung bình chiếm 5,16%,…