Brexit không đạt được thỏa thuận sẽ là một ‘thảm họa’ cho Đức
Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các nước Liên minh châu Âu (EU) khác do tác động kinh tế của Brexit nếu London và Brussels không đạt được thỏa thuận.
Nhận định trên được ông Hans-Olaf Henkel, nhà cựu lãnh đạo của Liên đoàn Công nghiệp Đức cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Express của Anh. Ông Henkel cảnh báo Brussels không nên suy đoán rằng Brexit chỉ là một “vấn đề của Anh”.
Brexit không đạt được thỏa thuận sẽ là một ‘thảm họa’ cho Đức. (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, ông Henkel nhấn mạnh về hậu quả “thảm khốc” đối với Đức khi kết thúc đàm phán Brexit mà không đạt được thỏa thuận.
Sau khi công ty bảo hiểm tín dụng lớn nhất thế giới Euler Hermes công bố báo cáo cho thấy có 45% khả năng không đạt được thỏa thuận Brexit, ông Henkel bày tỏ lo ngại rằng Đức sẽ chịu thiệt hại lớn nhất so với bất kỳ quốc gia EU nào khác.
Theo công ty này, việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ gây nguy hiểm cho xuất khẩu với tổng trị giá 33 tỉ euro, một phần tư trong số đó là từ Đức. Theo ông Henkel, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp ô tô Đức và các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế.
Ngoài ra, ông Henkel lưu ý rằng Đức là nước xuất khẩu lớn thứ ba trong số tất cả các nước trên thế giới, trong khi Anh là đối tác lớn thứ ba của Đức sau Mỹ và Trung Quốc.
Về vấn đề này, nhà cựu lãnh đạo của Liên đoàn Công nghiệp Đức cho biết không nên đánh giá thấp rủi ro, đồng thời cảnh báo Brussels chống lại những giả định cho rằng Brexit chỉ là “vấn đề của Anh”.
“Rõ ràng rằng Brexit là một kế hoạch thất bại đối với cả EU và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, cảm giác ở Liên minh châu Âu cho thấy đây trước hết là vấn đề của Anh”, Daily Express dẫn lời nhà cựu lãnh đạo của Liên đoàn Công nghiệp Đức.
Cũng theo ông Henkel, ngay cả khi Vương quốc Anh vẫn là thị trường châu Âu duy nhất, thì không thể tránh khỏi những hậu quả tiêu cực về kinh tế không chỉ đối với London mà cả Berlin. “Đức sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn bất kỳ quốc gia EU nào khác, ngoại trừ Vương quốc Anh”, ông Henkel nói.
Đồng thời, ông Henkel cho rằng, đến ngày 31/12, Brexit sẽ có tác động tiêu cực. Ít nhất kể từ khi Vương quốc Anh bước vào giai đoạn chuyển giao kéo dài đến cuối năm, doanh số bán xe ô tô do Đức sản xuất tại nước này đã giảm mạnh. “Đức không chỉ xuất khẩu ô tô sang Anh mà còn cả máy công cụ Trumpf, đồ gia dụng Miele và công cụ cơ giới Stihl”, ông Henkel nói thêm.
Theo cựu lãnh đạo của Liên đoàn Công nghiệp Đức, trước vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel buộc phải can thiệp và thúc đẩy trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier, về thương mại với Anh từ chối tối hậu thư phải rời bàn đàm phán đến ngày 31/10.
“Bản thân Brexit là một vấn đề kinh tế và chính trị, nhưng nếu không có một thỏa thuận sẽ là một thảm họa. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã là một thảm họa nghiêm trọng đối với cả nền kinh tế Anh và châu Âu. Vì vậy, tôi tự tin rằng cuối cùng thì sẽ có một thỏa thuận nào đó”, ông Henkel kết luận.
Trước đó, Anh đã rời EU từ tháng 1/2020, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của vương quốc này. Hai bên đang nỗ lực đạt một thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới.
Anh - EU tiến gần hơn tới thỏa thuận thương mại
Các cuộc đàm phán giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu về việc ký kết một hiệp định thương mại được nối lại tại London vào ngày 22/10, đang tiến hành theo hướng tích cực và tạo cơ hội để hy vọng đạt được một thỏa thuận.
Thanh Bình (lược dịch)