"Bóng đè" trên di tích thành Điện Hải
"Bóng đè" trên di tích thành Điện Hải
>> Đà Nẵng: Tiếp nhận hiện vật quý về di tích thành Điện Hải
Sáng 19/5, các bạn trẻ thuộc Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Đà Nẵng đưa các cháu thiếu nhi vào tham quan Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải |
Sáng 19/5, một nhóm bạn trẻ thuộc Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Đà Nẵng đưa các cháu thiếu nhi vào tham quan Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải. Họ nhìn thấy gì ở ngôi thành cổ từng là tiền đồn chống quân Pháp xâm lược từ cách đây 154 năm và đã được Bộ VH-TT xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tháng 11/1988?
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai dẫn theo Đại Nam nhất thống chí cho hay, thành Điện Hải nguyên là đồn Điện Hải, được xây dựng gần cửa sông Hàn, nằm bên tả ngạn, vào năm Gia Long thứ 12 (1813). Do xây dựng bằng vật liệu kém chất lượng, lại sát bờ biển nên bị sóng đánh lở.
Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn Điện Hải được dời vào bên trong, cách địa điểm cũ 150 trượng, xây dựng lại bằng gạch trên một khu đất cao rộng. Chỉ huy việc xây dựng là đốc chế Nguyễn Văn Trí với hơn 500 dân phu lao động trong nhiều tháng.
Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), đồn Điện Hải được đổi tên là thành Điện Hải. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), danh thần Nguyễn Công Trứ được triều đình cử vào kiểm tra việc phòng thủ của Đà Nẵng và ông đã ra lệnh bố phòng vững chắc hơn cho thành Điện Hải và An Hải.
Họ đã nhìn thấy gì dưới bóng của những toà cao ốc đang đè nặng lên ngôi thành cổ? |
Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thành Điện Hải được xây lại theo kiểu Vauban của châu Âu, chu vi mở rộng đến 139 trượng (556m) với tường cao 5m bao quanh, ở giữa có hào sâu 3m. Thành được thiết kế theo dạng hình vuông có góc lồi, mở 3 cửa, trong đó có 2 cửa chính mở về phía Đông và phía Nam. Bên trong có Hành cung (nơi bàn việc triều đình), Kỳ Đài (nơi cắm cột cờ), kho chứa lương thực, đạn dược cùng 30 ụ súng thần công... Đây là căn cứ chủ yếu của Đà Nẵng mà quân xâm lược Pháp từng gọi là “Fort de l’Ouest”.
"Thành Điện Hải còn đó những bức tường thành vững chãi, những khẩu thần công uy nghi là nhân chứng sống động cho truyền thống hào hùng của quân và dân Đà Nẵng, thay mặt cả nước nổ tiếng súng đầu tiên chống quân xâm lược Pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Một bức tượng uy nghiêm của danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy phòng thủ thành Điện Hải cũng vừa được xây dựng nhằm tưởng nhớ đến một thời kỳ lịch sử hào hùng của TP Đà Nẵng" - ông Hà Phước Mai nói.
Chỉ tiếc, những gì mà người dân và du khách nhìn thấy khi tham quan di tích Thành Điện Hải lại không thật "hào hùng" như lời giới thiệu của Bảo tàng Đà Nẵng. Bất chấp các quy định Luật Di sản văn hoá về vành đai bảo vệ di tích lịch sử quốc gia, hàng loạt công trình cao tầng, nhà dân... đang áp sát, thậm chí lấn chiếm vào khuôn viên thành Điện Hải.
Ngôi thành hoành tráng, thấm đẫm chứng tích lịch sử oai hùng ngày nào giờ phải ngậm ngùi chịu cảnh bị đè nén dưới bóng những toà cao ốc đã và đang tiếp tục hối hả mọc lên. Vậy mà chỉ còn 1 năm nữa là tròn 155 năm ngày quân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào Đà Nẵng, mở màn cuộc xâm lược Việt Nam mà phải đến 96 năm sau, bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, quân và dân ta mới quét sạch bọn chúng ra khỏi bờ cõi!
Dưới đây là những hình ảnh mà PV Infonet đã ghi nhận được:
Thành Điện Hải chỉ còn duy nhất một lối vào ở hướng Đông |
Ba hướng còn lại đều bị vây chặt bởi các công trình xây dựng |
Cổng thành chính phía Nam trở nên quá nhỏ nhoi dưới bóng của toà nhà Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng |
Và cửa thành này cũng đã bị bịt kín lối ra |
Thậm chí người ta còn ngang nhiên xây nhà ngay trên bờ thành của thành Điện Hải |
Bên phải bức tượng Nguyễn Tri Phương là cả toà cao ốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng như đang chực "đổ" xuống vị danh tướng này! |
Truớc mặt bức tượng là toà cao ốc khách sạn Novotel, chưa kể Trung tâm Hành chính Đà Nẵng cao 34 tầng cũng đang "ló" dạng! |
Sau lưng bức tượng, thêm một cao ốc nữa cũng đang hối hả mọc lên |
Những khẩu thần công oai hùng trước quân xâm lược ngày nào, giờ đành bất lực trước sự "xâm lấn" của sắt thép, bê tông! |
Theo bạn, giữa hai cảnh này thì người dân và du khách sẽ chọn cảnh nào cho thành Điện Hải? |
Thêm nhiều công trình mới đang tiếp tục áp sát di tích Thành Điện Hải |
Bao lâu nữa thì cây đa cổ thụ này cũng sẽ không còn? |
HẢI CHÂU