'Bom nợ' Evergrande, 'kinh nghiệm xương máu' với thị trường bất động sản
Nhiều ý kiến cho rằng, khủng hoảng Evergrande chỉ là khủng hoảng nhỏ; sự đổ vỡ của Evergrande sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Việc đại gia bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc đang chìm trong khoản nợ hơn 300 tỷ USD, đứng trước bờ vực phá sản được nhiều người quan tâm. Điều này liệu sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản?
Trả lời câu hỏi này của PV Infonet, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Khang Land cho hay: Sự sụp đổ của Evergrande chỉ có tác động về mặt tâm lý, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Evergrande sụp đổ sẽ không ảnh hưởng tới thị trường bất động sản Việt Nam. |
Bởi theo ông, thị trường bất động sản ở Việt Nam khác thị trường Trung Quốc; "sức khỏe nội tạng" của doanh nghiệp Việt Nam cũng khác so với sức khỏe của các doanh nghiệp Trung Quốc. Cùng với đó, sức tiêu dùng, tổng cung, tổng cầu của thị trường bất động sản Việt Nam cũng khác so với thị trường Trung Quốc.
“Do khác nhau rất nhiều về đặc tính nên sự đổ vỡ của Evergrande sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản ở Việt Nam. Có chăng, chỉ tác động về mặt tâm lý, sẽ cho rằng, những doanh nghiệp có mô hình hoạt động giống Evergrande sẽ có kết quả giống nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù mô hình kinh doanh giống nhau nhưng cách quản trị khác nhau, nền móng khác nhau, sức khỏe ‘nội tạng’ khác nhau thì kết quả vẫn sẽ khác nhau”, ông Cao cho hay.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, khủng hoảng Evergrande chỉ là khủng hoảng nhỏ, không lan rộng ra toàn cầu.
Lý do ông Nghĩa đưa ra là tổng tài sản của Evergrande không lớn, nghĩa vụ nợ cũng chưa phải ghê gớm. Thị trường tài chính Trung Quốc cũng như Evergrande không phải là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ông nhẩm tính, số vốn mà các nhà đầu tư đổ vào Evergrande khoảng 110 triệu USD – con số này chưa bằng một phần mười tổng số đầu tư của người nước ngoài vào trái phiếu của một tập đoàn lớn ở Việt Nam. Điều này cho thấy, ảnh hưởng quốc tế không lớn.
Tuy nhiên, theo TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường Kinh doanh IPAG ở Paris, thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE), trước tình trạng giá bất động sản ở một số thành phố lớn ở Việt Nam đã bắt đầu cao hơn so với thu nhập của người dân, đây là điều Chính phủ nên cân nhắc để có giải pháp điều tiết nhằm giảm dần tính đầu cơ trong bất động sản.
Theo ông Trí, đã có rất nhiều kiến nghị về việc kiểm soát đầu cơ như giải pháp thuế tài sản, thuế đánh trên giao dịch bất động sản để hạn chế đầu cơ nhằm hạ giá bất động sản.
Cùng với đó, ông Trí cho rằng, cần xem xét lại cấu trúc tài chính của một số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.
“Có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã huy động vốn qua kênh trái phiếu quá nhiều trong khi thị trường trái phiếu chưa trưởng thành, chưa có nhiều cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu, thông tin các trái phiếu tới nhà đầu tư nên có nhiều trái phiếu rủi ro”, ông Trí nói.
Do vậy, ông Trí cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn trọng với doanh nghiệp chạy theo phong trào huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Minh Thư
Tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande vì sao biến thành 'bom nợ' khủng?
Là một doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc, sau nhiều năm phát triển, Tập đoàn Evergrande đã mạnh tay vay tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau và hiện đang trên bờ vực vỡ nợ sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ.