Bôi kem đánh răng lên 'cậu nhỏ' chữa xuất tinh sớm
Nghe lời bạn, người đàn ông về nhà thoa kem đánh răng lên đầu 'cậu nhỏ' và thêm một ít nhét sâu vào lỗ tiểu để giảm nhạy cảm và kết quả khiến anh khóc dở, mếu dở...
Oái ăm chữa xuất tinh sớm bằng cách bôi kem đánh răng lên... 'cậu nhỏ' (Ảnh minh hoạ) |
Phòng khám Khoa Nam học (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vừa tiếp nhận điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân 32 tuổi tới khám với lý do đau tức âm ỉ tinh hoàn 2 bên.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân thổ lộ: Bệnh nhân bị xuất tinh sớm, nghe bạn mách bôi kem đánh răng lên đầu cậu nhỏ khi quan hệ thì sẽ không bị xuất tinh sớm.
Nghe lời bạn, anh chàng về nhà thực hiện theo, thoa kem đánh răng lên đầu “cậu nhỏ” và thêm một ít nhét sâu vào lỗ tiểu để giảm nhạy cảm.
Thế nhưng khi lâm trận, người đàn ông này không những “chưa đi chợ đã tiêu hết tiền” mà còn cảm thấy đau nhức trong đường đi tiểu.
Nam thanh niên đẹp trai, cao to nhưng 'chưa đến chợ đã hết tiền', bác sĩ chỉ ra nguyên nhân
Theo các bác sĩ nam khoa, yếu sinh lý không chỉ gặp ở những người nhiều tuổi, người có bệnh lý mà thậm chí gặp ở ngay cả người trẻ, người bề ngoài hoàn toàn bình thường, thậm chí cao to, đẹp trai..
Hai hôm sau người đàn ông này thấy tinh hoàn phải sưng to, đau nhiều, kèm hơi sốt nhẹ. Vội vã đến phòng khám tư gần nhà khám và được các bác sĩ chẩn đoán viêm mào tinh hoàn phải và viêm niệu đạo, đã được điều trị ổn định.
Tuy nhiên, tình trạng đau tức âm ỉ tinh hoàn phải vẫn kéo dài dai dẳng 8 tháng nay, thi thoảng đau lan sang trái, xuống bẹn. Bệnh nhân đã đi khám và chữa trị nhiều nơi, dùng rất nhiều thuốc kháng sinh và nhiều lọai thuốc khác nhưng tình trạng vẫn không mấy cải thiện. Lúc này, bệnh nhân mới đến Khoa Nam học và Y học Giới tính khám.
Qua thăm khám lâm sàng nhận thấy, bệnh nhân thân hình gầy guộc, suy nhược, sắc mặt trầm uất, lo lắng, căng thẳng. Kiểm tra bộ phận sinh dục không phát hiện bất thường. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy kết quả nước tiểu, PCR các tác nhân vi khuẩn lây truyền đều bình thường, nồng độ testosterone hạ thấp. Các bác sĩ Khoa đã chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng đau tinh hoàn mạn tính.
Các bác sĩ khoa Nam học BV Đại Học Y Hà Nội tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng liệu pháp bổ sung testosterone, kết hợp với các chuyên gia tâm bệnh, tư vấn tâm lý, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý.
Rất may, sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã giảm triệu chứng đau 90%, sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân đã trở về bình thường.
Chia sẻ với phóng viên, BS Trần Văn Kiên, Khoa Nam học và Y học Giới tính cho biết, đau tinh hoàn mạn tính là tình trạng đau liên tục hoặc đau từng đợt, một bên hay hai bên tinh hoàn, tình trạng này kéo dài trên 3 tháng.
“Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của người bệnh”, BS Trần Văn Kiên nói.
Theo các nhà chuyên môn, bệnh rất phổ biến ở nam giới thuộc bất kì lứa tuổi nào, nhưng thường gặp hơn cả là lứa tuổi 20-30. Đáng lưu ý, vì lí do đau tái đi tái lại nhiều lần mà bệnh hay bị chẩn đoán nhầm là viêm tinh hoàn nên thường dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình điều trị.
Nguyên nhân dẫn tới đau tinh hoàn mạn tính thường gặp, theo BS Văn Kiên, là do viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn hoặc sau chấn thương tinh hoàn. Cũng có trường hợp bị đau tinh hoàn mạn do sau phẫu thuật thắt ống dẫn tinh hoặc nam giới bị mắc u tinh hoàn cũng có thể do giãn tĩnh mạch tinh hoặc thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn.
“Ngoài ra nam giới bị đau tinh hoàn mạn cũng có thể do suy giảm nội tiết tố testosterone hoặc đau do kích thích thần kinh vùng bẹn bìu: Stress, rối loạn lo âu, rối loạn dạng cơ thể”, BS Văn Kiên nói.
Theo bác sĩ chuyên nam khoa để tránh những trường hợp đáng tiếc như nam bệnh nhân trên (bôi kem đánh răng điều trị xuất tinh sớm, sau gây viêm tinh hoàn cấp tính, điều trị không triệt để dẫn đến đau tinh hoàn mạn tính) các quý ông khi có những vấn đề về nam khoa đừng tự ý thử các biện pháp điều trị tại nhà. Hãy tới gặp các bác sĩ nam khoa tại các cơ sở y tế uy tín để được khám, đánh giá, chẩn đoán và có các phương án điều trị hợp lý.
Đau tinh hoàn nhất là khi đi lại hoặc sờ nắn, sờ vào thấy khối u nổi lên bất thường.
Bìu sưng đỏ, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đau thậm chí là tiểu ra máu.
Đau tinh hoàn kèm theo khó xuất tinh, cảm thấy đau ngay cả khi xuất tinh; có thể kèm theo một số biểu hiện khác như đau đầu, sốt, có thể mệt mỏi,…
Tinh hoàn đau nhức một cách đột ngột và dữ dội, kéo dài trong nhiều giờ, cơn đau có thể lan rộng sang vùng hông, bẹn, bìu…
Tinh hoàn có biểu hiện chảy sệ, cảm giác đau đớn, căng tức vùng bìu,…
N. Huyền