Bộ Y tế đề xuất thu thuế thuốc lá ở mức tuyệt đối
Mỗi điếu thuốc lá có tới 69 chất gây ung thư |
Mỗi điếu thuốc lá có tới 69 chất gây ung thư, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng dầu dẫn đến ung thư. Tăng thuế tiêu thụ thuốc lá sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng, giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra.
Thông điệp trên được đưa ra tại buổi tập huấn “Thúc đẩy giám sát và truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá” do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm tổ chức vừa qua.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng thuốc lá. Bộ Y tế ủng hộ phương án áp dụng thu thuế hỗn hợp (theo thuế suất tỷ lệ như hiện nay và thuế suất tuyệt đối). Bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà. Đồng thời, Bộ Y tế đề xuất thu thêm mỗi bao thuốc lá 2.000-5.000 đồng thay vì 1.000 như đề xuất của Bộ Tài chính.
Bà Hải cho biết, năm 2015 Việt Nam đã sử dụng 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá nhưng tốn trên 24.000 tỉ đồng cho chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, việc tăng thuế sẽ góp phần giảm tỉ lệ sử dụng, giảm gánh nặng bệnh tật gây ra do thuốc lá.
ThS-Bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, lý do dẫn tới hàng triệu người dùng thuốc lá ở Việt Nam là tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ vẫn ở mức thấp. Các doanh nghiệp thuốc lá thường kêu than thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế suất quá cao, trong khi thuế thuốc lá ở Việt Nam gần như đứng cuối bảng so với các nước trong ASEAN.
Thống kê của WHO năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá chỉ hơn 35%, trong khi trung bình thế giới là gần 59%. Tại Thái Lan tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá là 75%; Brunei 81%; Malaysia 57%; Đức 75%; Pháp 80%... Điều này khiến cho giá thuốc lá trung bình của Việt Nam đứng gần cuối bảng trong so sánh với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương. Bởi vậy, tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam nên chiếm 2/3 hoặc 4/5 giá bán lẻ như một số nước khác để kìm sức mua trong nước. “11,3% hộ gia đình hút thuốc lá nghèo sẽ thoát nghèo nếu số tiền chi cho thuốc lá dùng cho thực phẩm”.
Đồng tình với quan điểm này, TS-Bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng đã chỉ ra những những chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam. Họ đã đưa ra các thông tin sai sự thật như cho rằng CNTL có “nhiều đóng góp cho nền kinh tế” và “xóa đói giảm nghèo”, trong khi đóng góp từ thuế thuốc lá rất nhỏ so với số tiền phải chi cho hậu quả của thuốc lá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế Giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Ở người nghèo và lớp trẻ sẽ giảm tiêu thụ nhiều hơn. Khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.
Trong số các nước ASEAN, Thái Lan là một ví dụ điển hình của việc sử dụng chính sách thuế thuốc lá mạnh để nâng cao sức khỏe công cộng. TS. Chonlathan Visaruthvong, Cục thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá chỉ 35% là rất thấp trong khi Thái Lan là 75%. Điều đó đồng nghĩa, với giá một đô la một bao thuốc thì có 74% Chính phủ thu, ngành công nghiệp thuốc lá chỉ có 26%. Việt Nam thì ngược lại, Chính phủ 35%, ngành công nghiệp thuốc lá có đến 65%. Tỷ trọng chênh nhau rất lớn, Chính phủ không thu được gì. Mức thuế tăng được coi là hiệu quả phải đảm bảo giá bán lẻ tăng và tiêu dùng giảm.
Để giảm thiểu số người tử vong do thuốc lá, Thái Lan đã có chính sách tăng thuế thuốc lá. Đây được coi là chính sách “cùng thắng”. Nếu cty sản xuất thuốc lá không muốn trả thuế đó thì phải tính giá thành cao hơn, từ đó lượng tiêu dùng giảm đi. Như vậy, vừa tốt cho sức khỏe con người vừa tạo nguồn thu cho chính phủ.
Từ năm 1991-2012, Thái Lan thực hiện 11 lần tăng thuế, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại của Thái Lan là 87% (tương đương mức thuế suất 567% theo giá xuất xưởng như cách tính thuế của Việt Nam). Kết quả mang lại, thu ngân sách của Chính phủ tăng gần 4 lần, tỷ lệ hút thuốc của nam giới giảm từ 59% xuống 41.6%; tỷ lệ hút chung giảm từ 32% xuống 21,4%.
Bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) nhấn mạnh: Dự phòng là giải pháp tối ưu, chi bao nhiêu tiền cho điều trị cũng không đủ. Để phòng tác hại của thuốc là thì tăng thuế là một công cụ hiệu quả.