Bộ TT&TT sẽ ra quy chuẩn xây dựng trạm BTS
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của Bộ TT&TT được tổ chức sáng nay (8/5), tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Phó trưởng ban thường trực PCTT&TKCN của Bộ TT&TT, Bộ đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Dự thảo thông tư và đề ra các quy chuẩn xây dựng cột ăng-ten (trạm BTS viễn thông; cột phát sóng của các Đài Phát thanh và Truyền hình; cột ăng-ten của các hệ thống thông tin khác) để sớm ban hành ngay trong năm 2015 này.
Theo Dự thảo đang được xây dựng, các quy chuẩn của trạm BTS về độ cao, độ an toàn (chống sét, chống ngập úng khi mữa bão; độ bền (chống vặn xoắn gãy đổ; phải chống chịu được bão cấp 12) cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị...
Lí do phải xây dựng quy chuẩn xây dựng trạm BTS nói chung, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Trưởng ban thường trực PCTT&TKCN của Bộ TT&TT chỉ rõ: "Trước đây hệ thống thông tin liên lạc hữu tuyến là chủ yếu, chúng ta cũng đã xây dựng các quy chuẩn xây dựng trong việc kéo cáp/ ngầm cáp, hệ thống cống, bể, nhà trạm, đường truyền cũng như hạ tầng nói chung về mạng hữu tuyến.
Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển mạnh của thông tin di động, mạng vô tuyến ngày càng chiếm thị phần chủ yếu do đó nhu cầu xây dựng các trạm BTS là rất lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng hơn 100.000 trạm BTS, trong đó nếu tính số lượng các trạm được các nhà mạng dùng chung hạ tầng sử dụng thường xuyên khoảng 50.000-60.000 trạm BTS (tính cả 2 G và 3G).
Nếu trước đây người dân lo ngại trạm BTS ảnh hưởng tới sức khỏe do nhiễm xạ thì nay yếu tố an toàn do mưa bão lại là lí do chủ yếu.
Cơn bão số 8 đổ bộ vào Nam Định năm 2013 đã quật đổ hơn 90 trạm BTS/ cột anten trong đó có tháp Truyền hình Nam Định. |
Đồng quan điểm này, bà Hoàng Thị Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nam Định cho biết: "Cơn bão số 8 đổ bộ vào Nam Định năm 2013 đã quật đổ hơn 90 trạm BTS/ cột anten trong đó có tháp Truyền hình Nam Định. Rất may mắn không có thiệt hại về người khi đó, nhưng sau cơn bão số 8 phần lớn dân phản đối doanh nghiệp xây dựng trạm BTS vì lí do sợ mất an toàn tính mạng trong mùa mưa bão.
Bài học kinh nghiệm của Nam Định sau cơn bão là chất lượng các trạm BTS đã không đảm bảo. Cụ thể, trong hơn 90 trạm BTS bị gãy đổ, MobiFone chiếm hơn 40 trạm. Những cột bị gãy đổ do bão đều có đặc điểm chung, bị bão vặn xoắn hình số 8 và gãy đổ cách chân cột 3m. Trong khi đó, 80 trạm BTS của Vietnamobile năm đó không cột nào bị ảnh hưởng do mạng này xây dựng cột có hệ thống giá chống xoay (gió chiều nào xoay theo đó nên cột không bị gãy dù sức gió có lực vượt cấp 12).
Quay trở lại việc xây dựng quy chuẩn, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trong Dự thảo xây dựng trạm BTS lần này phải chỉ ra được các tiêu chí thế nào là an toàn; độ bền của cột (dẻo, chống xoắn vặn, chống gió); sức nặng thiết bị được phép treo trên các cột... Ngoài ra các tiêu chí về mỹ quan đô thị (độ cao cột, vị trí được phép xây dựng...) cũng sẽ được chỉ rõ để doanh nghiệp, người dân đồng thuận. "Khi xả ra mưa bão, nếu trạm BTS gãy đổ không chỉ thiệt hại về vật chất; mất thông tin liên lạc, cái quan trọng hơn là sự an toàn tính mạng của người dân cần được đặt lên hàng đầu..." Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.