Bộ TT&TT hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Ngoài việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT, Bộ TT&TT còn có nhiều hoạt động hỗ trợ trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP.
Với mục tiêu thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong lẫn ngoài nước cho mặt hàng nông sản, thời gian qua, bên cạnh sự chủ động của một số nông dân, ngành Thông tin & Truyền thông đã tích cực hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart. Ảnh: Ngô Dương |
Cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngày 21/7/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ SXNN) đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; Hỗ trợ hộ SXNN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian; Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân... Lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ SXNN; Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Nội dung chính của kế hoạch bao gồm hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; Hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT; Hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.
Ngoài nhiệm vụ trên, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn; Mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh bị thương lái ép giá; Giúp người dân tại các địa phương khác trong nước và quốc tế có thể mua sản phẩm một cách thuận tiện, nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh; Hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ SXNN, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng, thông qua sàn TMĐT.
Song song với các nội dung trên là việc hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh; Cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân; Có chính sách ưu đãi cho hộ SXNN khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh trên sàn TMĐT…
Không chỉ hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bộ TT&TT còn phối với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về “Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP”.
Đây là một hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho chủ thể trong thiết kế sáng tạo sản phẩm OCOP trong bối cảnh chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP.
Việc tổ chức các chuyên đề nhằm tăng cường hiệu quả việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh tình hình mới.
Ngô Dương