Bộ trưởng Tư pháp: Đối tượng được trợ giúp pháp lý ở VN rộng nhất thế giới
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình Luật trợ giúp pháp lý |
Thảo luận về đối tượng được trợ giúp pháp lý
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) đồng tình với việc sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và cho rằng sau 10 năm thực hiện luật đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, nhu cầu về trợ giúp pháp lý bây giờ cũng khác xưa rất nhiều so với thời điểm ban hành năm 2006.
“Trong hệ thống pháp luật thì nhu cầu về trợ giúp pháp lý của những người hiểu biết liên quan đến quy định của pháp luật rất lớn và đối tượng cần trợ giúp trong xã hội cũng rất lớn. Tôi thấy việc cần phải mở rộng phạm vi, bởi vì quy định của pháp luật làm như thế nào đó để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động trợ giúp pháp lý đã đành nhưng phải thực hiện được chủ trương của Đảng, Nhà nước chúng ta là thực hiện mở rộng hoạt động trợ giúp pháp lý giúp cho mọi người trong xã hội” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thì cần mở rộng hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý cho mọi đối tượng, kể cả hoạt động trợ giúp pháp lý đối với các đối tượng có điều kiện về tài chính, đây cũng là kênh rất tốt cho việc hỗ trợ cho hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong người dân, trong xã hội.
Chung quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng đánh giá dự thảo Luật khá đầy đủ và toàn diện, còn một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau thì cần cân chỉnh thêm.
Trong đó, về người được trợ giúp pháp lý, Điều 7 dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng diện được trợ giúp pháp lý, bổ sung các đối tượng trợ giúp pháp lý sau khi ban hành Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và các nghị định, hướng dẫn thi hành như nạn nhân trong vụ mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, trẻ em bị buộc tội, người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội, nạn nhân trong việc bạo lực gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
“Quy định tại Điều 7, việc bổ sung mở rộng như vậy trên phương diện nội dung của luật thì dự thảo Luật phù hợp với nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý tại Khoản 2, Điều 3. Đó là trợ giúp pháp lý được cung cấp cho người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, không thể thuê dịch vụ pháp lý thông thường”- đại biểu Tô Văn Tám nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, về đối tượng người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7, đa số ý kiến nhất trí mở rộng phạm vi đối tượng để bảo đảm thực hiện đáp ứng chủ trương của nhà nước là mở rộng các đối tượng được trợ giúp, đặc biệt liên quan đến người dân tộc thiểu số thường trú ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long đã giải trình trước Quốc hội.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, chia bình quân theo năm thì mỗi năm cả trung ương và địa phương chi khoảng 100 tỷ cho trợ giúp pháp lý.
Chúng ta bắt đầu có trợ giúp pháp lý bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 về thành lập các tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đến năm 2006 chúng ta có Luật trợ giúp pháp lý và bây giờ Quốc hội đang bàn. Lúc đấy do nhận thức, do điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội và cũng rất nhiều lý do, do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ cho nên Luật trợ giúp pháp lý hiện hành chúng ta sửa có cái ôm đồm trong phạm vi điều chỉnh.
Từ đấy đến nay chúng ta đã có các văn bản pháp luật kèm theo sau đây. Ví dụ, tư vấn pháp luật có Nghị định 77, phổ biến giáo dục pháp luật có luật năm 2012, hòa giải ở cơ sở chúng ta có luật năm 2013.
Hiện tại có 183 trung tâm tư vấn pháp luật trên toàn quốc và lĩnh vực tư vấn có dân sự, hôn nhân, gia đình, đất đai và lao động. Đối tượng cũng có người nghèo, đối tượng chính sách đồng bào dân tộc, đối tượng yếu thế.
Trong giai đoạn 2011-2014 thì các trung tâm này tư vấn khoảng 180 nghìn vụ, trong đó có khoảng hơn 3 nghìn vụ, coi như trợ giúp pháp lý.
Tương tự, Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 có các đề án phổ biến riêng cho từng đối tượng chính sách, cũng cho những người khuyết tật, đối tượng nông dân, phụ nữ và cùng với các hoạt động về phổ biến giáo dục pháp luật có hướng dẫn và giải thích pháp luật.
Về Luật hòa giải ở cơ sở, hiện bây giờ chúng ta có khoảng 111 nghìn tổ hòa giải để giải quyết các xích mích, các mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, giữa vợ chồng con cái với nhau hoặc trong cộng đồng làng xã có rất nhiều vụ việc mà chúng ta hiểu là trợ giúp pháp lý.
“Chúng ta có sự nhầm lẫn, cái mà Chính phủ muốn căn chỉnh Luật trợ giúp pháp lý lần này sửa đổi để thực hiện mấy mục đích: Một là phân sân rõ ràng, hai là trả lại trợ giúp pháp lý đúng bản chất cho người nghèo và cho người không có khả năng được trợ giúp. Xã hội hóa được thì tốt, nếu không đây là trách nhiệm của nhà nước. Nó liên quan đến tiền, liên quan đến các đối tượng được trợ giúp pháp lý” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo luật và quy định của Việt Nam là rộng nhất thế giới, rộng so với quy định của các công ước quốc tế và rộng so với quy định của luật trợ giúp pháp lý của các quốc gia.
“Chính sách của chúng ta rất nhân văn, nhiều đối tượng chính sách. Trong thời gian chúng ta thực hiện cái này, ý định của Ban soạn thảo muốn cho quay trở lại đúng thực chất, bản chất của trợ giúp pháp lý là cho những đối tượng được xác định rõ ràng.
Con số cụ thể là bao nhiêu thì chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu, nhưng tôi cho rằng chúng ta cần thống nhất với nhau tiêu chí là những ai và nó phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định pháp luật các nước thì chúng ta đưa vào đây. Còn mặt chính sách hay mặt tâm thì không ai muốn hạn chế. Chúng tôi thiết kế đối tượng ở đây về cơ bản giữ các đối tượng được trợ giúp pháp lý như luật hiện hành, còn lại đã rà soát và bao đủ về diện các đối tượng khác, nhưng có tiêu chí cơ bản là không có khả năng chi trả về mặt tài chính” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân trần.