Bỏ thuốc lá sớm ngày nào nâng cao tuổi thọ ngày ấy
Thuốc lá nguyên nhân gâylà thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... |
Hút thuốc lá... hút 7.000 chất độc vào cơ thể
PGS.TS Vũ Văn Giáp, bác sĩ Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thông thường một số người cho rằng hút thuốc ảnh hưởng đến phổi là chính nhưng thực tế nó ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tim mạch, sức khỏe sinh sản, đường hô hấp, và gây ra nhiều bệnh ung thư (ngoài ung thư phổi còn ung thư khoang miệng, thanh quản, đường tiêu hóa, đại trực tràng…). Với phụ nữ, khói thuốc còn giảm tỷ lệ thụ thai, dễ sinh non, nhẹ cân…
Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân khám ngoại trú mà đa phần là những bệnh nặng liên quan đến phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi giai đoạn muộn do hút thuốc; Và điều trị nội trú cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp có liên quan đến thuốc lá.
“Ngoài hơn 7.000 chất độc hại trong thành phần của khói thuốc lá còn chứa nhựa hắc ín, 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), thuốc trừ sâu… và nicotin (chất gây nghiện). Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh về đường hô hấp… và thậm chí là chết người”- PGS Vũ Văn Giáp nhấn mạnh.
Cơ sở cai nghiện còn ít
GS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp VN, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết do hút thuốc lá và hơn 900.000 người chết do hít phải khói thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Trong năm 2015, người Việt đã chi hơn 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá.
Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Một nghiên cứu tại BV K cho thấy, 90% ca ung thư phổi có hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Mặc dù, Việt Nam là 1 trong số 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới với khoảng 70% người hút thuốc có nhu cầu cai thuốc. Theo đó, công tác cai nghiện thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người hút thuốc bỏ thuốc và nâng cao hiệu quả của việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Năm 2015, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã thành lập Trung tâm Tư vấn cai nghiện thuốc lá tại khoa Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) và đường dây nóng miễn phí về tư vấn cai nghiện thuốc lá đã được vận hành (số điện thoại tư vấn: 1800-6606).
PGS.TS Phan Thu Phương – Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau thời gian triển khai, tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí đường dây nóng đã nhận hơn 16.000 cuộc gọi xin tư vấn cai nghiện thuốc lá trong đó có khoảng 5.000 ca được tư vấn thành công.
Tuy nhiên, con số này so với số lượng 15 triệu người hút thuốc lá còn quá nhỏ bé. Mặc dù theo BS. Phương, nghiện thuốc lá có thể điều trị thành công bằng tư vấn kết hợp với thuốc cai nghiện thuốc lá, trong trường hợp nghiện thực thể. Tuy nhiên, BS. Phương cũng cho biết hiện nay trên toàn quốc, số trung tâm điều trị cai nghiện thuốc lá còn quá ít và hoạt động quảng bá cho dịch vụ tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá nói chung và Trung tâm Tư vấn cai nghiện thuốc lá của Bệnh viện Bạch Mai cũng chưa rộng khắp.