Bố mẹ hốt hoảng vì con trai 17 tuổi nhưng “cậu nhỏ” bé xíu
Trái ngược với trẻ dậy thì sớm lại có nhiều trường hợp trẻ dậy thì muộn, nhiều trẻ vào viện vì ở tuổi 16 - 17 nhưng “cậu nhỏ” không phát triển.
Dậy thì muộn vì thói quen cha mẹ
Bệnh nhân H.M.Đ, 17 tuổi, tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được gia đình đưa đến khám vì không có biểu hiện dậy thì đồng thời hay đau nhức xương khớp. Trước đó, gia đình đã đưa con đi khám tại một số nơi, có điều trị nhưng tình hình không cải thiện.
ThS.BS Trần Tuấn Anh - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Medlatec cho biết khi thăm khám cho bệnh nhân thấy có biểu hiện giống bệnh Cushing như: Xuất hiện vết rạn da, mọc lông nhiều vùng gáy, cổ, ria mép, tăng cân nhanh, béo tại vùng vú và mông kèm đau mỏi xương nhưng không có dấu hiệu dậy thì (tinh hoàn, dương vật của trẻ nhỏ hơn so với tuổi, không có lông mu...)
Gia đình cho biết, khoảng năm em M. 13-14 tuổi hay bị ngứa khắp người, tuy nhiên, không đi khám mà chỉ ra quầy mua thuốc điều trị là Prednisolon thuộc nhóm thuốc corticoid có tác dụng chống dị ứng. Nguy hiểm hơn, cha, mẹ để con tự dùng và không kiểm soát liều lượng theo hướng dẫn nên thậm chí, em M đã uống quá liều liên tục trong một thời gian dài cũng không hay biết.
Khi đến khám tại các cơ sở y tế không uy tín, bệnh nhân tiếp tục được kê đơn sử dụng Medrol - một loại thuốc corticoid có thời gian tác dụng chậm, thời gian bán hủy kéo dài vì vậy không những không giúp điều trị mà ngược lại còn tiếp tục gây hại cho sức khỏe.
Bác sĩ nghi ngờ việc lạm dụng thuốc đã gây rối loạn nội tiết và dậy thì muộn ở tuổi vị thành niên. Bệnh nhân thiếu vitamin D và canxi nên hay đau xương. Testosterol máu giảm, các chỉ số thấp hơn rất nhiều so với chỉ số bình thường của độ tuổi bệnh nhân. Đây là biểu hiện của suy tuyến thượng thận và suy tuyến yên.
Kết luận bệnh nhân bị hội chứng Cushing và dậy thì muộn (theo tiêu chuẩn hiện nay, con trai trên 14 tuổi không có biểu hiện dậy thì gọi là dậy thì muộn) do lạm dụng corticoid.
Bệnh nhân được yêu cầu dừng uống các loại thuốc trước đó và tiến hành điều trị theo phác đồ mới nhất bằng hormone thay thế hidrocotisol. Đây cũng là một thuốc corticoid nhưng có thời gian tác dụng ngắn và ít tác dụng phụ nhất do đó sẽ giảm được tối đa các hệ lụy liên quan do thuốc gây nên. Đồng thời gia đình cũng cần nâng cao vai trò quản lý và theo dõi, tránh để việc con dùng thuốc quá liều lượng cho phép.
BS Hà Ngọc Mạnh chia sẻ về dậy thì muộn |
Hốt hoảng vì con không giống các bạn
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Ngọc Mạnh – Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết anh cũng tiếp nhận một số ca dậy thì muộn ở nam giới. Ví dụ như trường hợp của N.N.T. 16 tuổi, Hà Nội được bố mẹ đưa đi kiểm tra nam học bởi vì T. thấy “cậu nhỏ”của mình bé hơn các bạn cùng trang lứa.
Mỗi lần đi vệ sinh T. hay bị bạn đùa nên mặc cảm. Về nhà T. thủ thỉ với mẹ về chuyện đó. Bố của T. kiểm tra cho con cũng hốt hoảng vì “cậu nhỏ” của con vẫn như lúc 11, 12 tuổi. Khám cho bệnh nhân bác sĩ thấy dương vật bị vùi lấp do cậu quá béo. Thạc sĩ Hà cho biết đây là trường hợp dậy thì muộn do rối loạn tuyến yên.
Thạc sĩ Mạnh cho biết nhiều trường hợp dậy thì muộn cũng là do trẻ bị béo phì. Dậy thì muộn hay gặp ở trẻ nam do dấu hiệu nhận biết dễ hơn nữa đó là không dậy thì, giọng nói không thay đổi, dương vật không phát triển.
BS Mạnh khuyến cáo phụ huynh nếu thấy con qua tuổi 15 tuổi (đối với nam) và 13 – 14 (đối với nữ) mà chưa dậy thì, cần cho trẻ đi kiểm tra để xác định có phải dậy thì muộn không. Ở nữ, dậy thì muộn có biểu hiện là ngực không phát triển vào tầm độ tuổi 13, chu kỳ kinh nguyệt không bắt đầu trong khoảng độ tuổi 16.
Ở nam, dậy thì muộn thể hiện bằng các dấu hiệu như tinh hoàn không phát triển to hơn ở khoảng độ tuổi 14 hoặc giai đoạn tăng trưởng sinh dục bị trì hoãn hơn 5 năm.
Với trẻ dậy thì muộn tìm ra nguyên nhân điều trị, có thể cho sử dụng thuốc nội tiết tố kích thích các bộ phận sinh dục phát triển. Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong vấn đề dậy thì sớm hay muộn. Cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh để hạn chế béo phì, không lạm dụng thuốc bừa bãi.
Khánh Chi