Bộ Công Thương "bắt tay" với Bộ KHCN chống nạn hàng giả, hàng nhái
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho hay, hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn nạn, đang diễn ra ngày càng tinh vi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Tổng cục QLTT xác định, năm 2020 là năm lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào công tác đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT và coi đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Khoảng 20 tỉnh, thành phố trong cả nước nằm trong diện siết chặt kiểm tra, giám sát và xử lý với hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm. Những nhóm mặt hàng nằm trong diện kiểm tra theo kế hoạch này gồm có thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến hết tháng 3/2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm; 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Đến hết tháng 6 năm 2020, 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. Đến hết tháng 12 năm 2020, 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Truy xuất nguồn gốcsản phẩmđể phát hiện hàng giả,hàng nhái. |
Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, kế hoạch đặt ra là vậy nhưng để thực hiện tốt vẫn rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan, đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Khoa học Công nghệ như Cục Sở hữu Trí tuệ, Thanh tra và cơ quan về quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trước mắt theo ông Linh, cần sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ cũng như các Nghị định hướng dẫn theo hướng nâng cao chế tài xử phạt, có thể xử lý hình sự các trường hợp tái phạm đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Bởi nếu vi phạm này không bị truy cứu hính sự mà chỉ áp dụng các mức xử phạt như hiện nay thì không đủ sức răn đe, khiến cho công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm xuất xứ… gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Linh nêu thực tế, hiện nay, có rất nhiều trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá dưới 200 triệu đồng. Tuy nhiên do chưa có quy định về xử lý hình sự nên các đối tượng đã lợi dùng kẽ hở này để tái phạm nhiều lần, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời rất khó đấu tranh triệt để.
Một vấn đề khác được ông Linh nhắc đến là Viện Khoa học Sỡ hữu trí tuệ hiện nay là đơn vị duy nhất thực hiện việc giám định sở hữu công nghiệp, nhưng số giám định viên đang hành nghề cũng rất ít. Việc thực hiện giám định phục vụ công tác xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp còn có lúc bị chậm trễ, kết quả g cần xem xét thành lập thêm tổ chức giám định, phát triển đội ngũ giám định viên độc lập đáp ứng được các nhu cầu về giám định sở hữu công nghiệp.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KHCN sẽ sát cánh với Bộ Công Thương nói chung, cũng như lực lượng quản lý thị trường nói riêng trong việc hỗ trợ tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chủ động phối hợp với Tổng Cục QLTT trao đổi thông tin chuyên môn nghiệp vụ để tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo hay bỏ sót quản lý, tiết kiệm kinh phí kiểm nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vị phạm nhất là đối với lĩnh vực xăng dầu.
Và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý kiến đóng góp và chia sẻ từ Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, đồng thời khẳng định, sau cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ lên chương trình, kế hoạch hành động chi tiết nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi. Trong đó, chương trình hành động sẽ đề cập đến tiến độ thực hiện công việc, phân công đầu mối nhiệm vụ, xác định rõ nhiệm vụ, năng lực của mỗi bên để giải quyết triệt để các tồn tại.
Tại cuộc họp, hai Bộ thống nhất sẽ tiếp tục cùng nhau bàn bạc, xây dựng quy chế phối hợp giữa 02 Bộ để quản lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ được hình thành trong quá trình sản xuất. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa 02 bên về việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công thương. Hai Bộ trưởng cùng quan điểm việc chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là công việc lâu dài, không chỉ cả hệ thống chính trị vào cuộc mà còn phục thuộc và ý thức của từng chủ thể trong xã hội.