Bộ binh Mỹ tăng sức mạnh với 'xương' trợ lực Exoskeleton
Exoskeleton mới của quân đội Mỹ.
Exoskeleton được sử dụng chủ yếu trong mục đích quân sự. Mục tiêu của các dự án chế tạo Exoskeleton là tạo ra một “vỏ bọc” giúp tăng tốc độ, tính cơ động và sức mạnh của con người, ngoài ra Exoskeleton còn có tác dụng như một bộ giáp bảo vệ binh sỹ. Việc sử dụng các Exoskeleton sẽ tăng đáng kể khả năng tác chiến của các binh sỹ, biến các binh sỹ tương lai thành các sinh vật cơ khí hóa (cybernetic organism).
Sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật đặt ra yêu cầu lớn đối với người lính bộ binh hiện đại, đó là việc họ phải mang theo mình nhiều loại vũ khí khác nhau, các hệ thống trinh sát - theo dõi kẻ thù, các thiết bị điện tử cung cấp thông tin về tình hình chiến sự (vị trí quân ta, quân địch và thậm chí là dân thường). Thêm vào đó, số lượng các hệ thống máy tính, vũ khí trang bị cần thiết cho một binh sỹ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ngày càng tăng. Cho nên, một binh sỹ bộ binh thông thường sẽ không thể mang theo mình tất cả các trang thiết bị cần thiết và nếu có cũng sẽ bị giới hạn khả năng cơ động, tác chiến, thực hiện nhiệm vụ.
Với Exoskeleton, sức mạnh của binh sỹ được tăng lên đáng kể.
Nhận thức được điều đó, đầu những năm 2000, Mỹ đã khởi động chương trình chế tạo Exoskeleton. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản bởi yêu cầu đặt ra là phải chế tạo một thiết bị thích hợp với rất nhiều tình huống tác chiến khác nhau và song song với đó là không làm giảm khả năng cơ động của binh sỹ. Phương án tối ưu nhất được đưa ra là Exoskeleton phải thay thế được hoàn toàn tứ chi của binh sỹ, ngoài ra phải cho phép mang theo mình một tải trọng khoảng 95% khả năng mang vác của con người. Thêm vào đó, Exoskeleton phải kết hợp hài hòa với cơ thể con người, “tiên đoán” và thực hiện tất cả các ý định và mệnh lệnh của người mang.
Trở ngại lớn nhất hiện nay đối với việc chế tạo các Exoskeleton là việc tìm kiếm nguồn năng lượng thích hợp để cung cấp cho hoạt động của chúng trong một khoảng thời gian tương đối dài. Nhiệm vụ kéo dài thời gian hoạt động liên tục của các Exoskeleton là cực kỳ quan trọng bởi trong điều kiện thực chiến, trong các vùng rừng núi, sa mạc…việc “sạc pin” cho chúng là điều không thể thực hiện được.
Exoskeleton hoàn toàn không gây cản trở tính cơ động của binh sỹ trong các tình huống tác chiến.
Hiện nay, DARPA - một cơ quan khoa học quân sự của Mỹ đã mở ra hướng mới trong việc chế tạo các Exoskeleton. Các nhà khoa học tiến tới việc chế tạo các Exoskeleton nhẹ hơn và rẻ hơn, các Exoskeleton của họ sẽ không tạo khả năng siêu việt cho binh sỹ mà chỉ đơn giản là giải phóng sức lực của họ khỏi việc mang vác. Dự án mới mà DARPA muốn hiện thực hóa hoàn toàn độc lập với các dự án như XOS 2 và HULC (nghĩa là không hủy 2 dự án này). Dự kiến, Exoskeleton mới có khả năng mang tải trọng 45 kg trong thời gian 5 h.
Thử nghiệm Exoskeleton mới của DARPA.
Các chuyên gia cho rằng, theo thời gian, Exoskeleton sẽ trở thành một trang bị phổ biến cho lực lượng đặc công của quân đội các nước phát triển. Kinh nghiệm từ các cuộc chiến Afghanistan và I-rắc cho thấy, thành công của các nhiệm vụ quân sự phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của các binh sỹ. Các binh sỹ hoạt động trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mang theo mình tải trọng lớn sẽ rất nhanh mất sức, lạc nhịp và dễ mắc sai lầm. Cho nên, Exoskeleton là phương án tối ưu và duy nhất để tăng tính cơ động cho lính bộ binh bởi khả năng vật lý của con người bình thường sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của các cuộc chiến tranh hiện đại.
Nguồn: Tất Châu (Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng)