Bình Thuận xây dựng nhiều chính sách cho trẻ em dân tộc thiểu số đến trường
Các em học sinh hiếu học tại xã Phan Tiến được tặng quà vì có thành tích tốt. Ảnh: Phạm Huệ |
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, trong những năm qua, tỉnh luôn dành từ 22 – 29% ngân sách cho ngành. Nhờ nỗ lực này mạng lưới trường học gần như phủ kín các huyện, kể cả vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo, do vậy con em đồng bào dân tộc thiếu số cũng dễ dàng được học chữ hơn.
Tính đến năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 637 trường, tăng 22 trường so với năm 2010. Trong đó, có 4 trường PTDTNT huyện, 1 trường PTDTNT tỉnh.
Trước đó, trong năm học 2017 - 2018, các trường Dân tộc nội trú cấp huyện tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Bắc Bình đã có tổng số 38 lớp với 1.089 học sinh. Riêng Trường Dân tộc nội trú tỉnh có 26 lớp với 714 học sinh, trong đó có 691 học sinh dân tộc.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền, các trường Dân tộc nội trú đều có diện tích rộng, có đủ phòng học, các công trình phục vụ học tập và sinh hoạt khá thuận lợi. Riêng ở các cấp học mầm non và phổ thông, toàn tỉnh có 23.170 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,15%/ tổng số học sinh trong toàn tỉnh.
Để đảm bảo cho hoạt động dạy và học của con em đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua tỉnh luôn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh như chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt; các chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí, hay Hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và hỗ trợ gạo…
Ngoài ra tỉnh còn tích cực tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Hiện nay có 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày và bán trú tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số mọi lúc mọi nơi; tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ; tăng cường phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình và và cộng đồng; thực hiện thí điểm cho trẻ làm quen ngoại ngữ, tin học đối với mẫu giáo; thực hiện chương trình giảng dạy tiếng anh và tin học cho học sinh dân tộc thiểu số tiểu học và THCS.
Những hoạt động trên của tỉnh đã tạo điều kiện ngày càng thuận lợi để đảm bảo các học sinh dân tộc thiểu số luôn có cơ hội đến trường.