Bình Thuận tăng cường nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Chăm
Một lớp dạy tiếng Chăm tại Bình Thuận (Ảnh minh họa) |
Bình Thuận là tỉnh có 35 đồng bào dân tộc, trong đó có 34 dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 7% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận tập trung chủ yếu ở 15 xã thuần và 33 thôn xen ghép thuộc 7/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Trong đó dân tộc Chăm có số dân đông nhất (chiếm tỷ lệ 40% dân số các dân tộc thiểu số), định cư ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép của tỉnh.
Từ năm 1978, UBND tỉnh Thuận Hải đã ra quyết định số 105/QĐUB về việc thực hiện dạy chữ Chăm trong nhà trường cho học sinh Chăm, đồng thời thành lập Ban Biên soạn chữ Chăm trực thuộc Sở Giáo dục Đào tạo Thuận Hải. Đặc biệt, sau khi có Quyết định 53/CP ngày 22/02/1980 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) việc học tiếng nói và chữ viết cho học sinh Chăm được quan tâm và chú ý.
Năm 1980, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thuận Hải đã tổ chức tuyển sinh lớp Trung cấp sư phạm cho các đối tượng là những giáo sinh thuộc con em trong vùng đồng bào Chăm, mục đích là đào tạo cán bộ chuyên dạy chữ Chăm, đồng thời sau khi tốt nghiệp về phục vụ giảng dạy tại các trường tiểu học trong vùng đồng bào Chăm.
Năm 1999 (khi chia tách thành tỉnh Bình Thuận), việc dạy và học chữ Chăm ở Bình Thuận được chính thức đưa vào giảng dạy cho học sinh Chăm trong các trường Tiểu học. Năm 2000, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận tổ chức đào tạo các lớp ngắn ngày cho giáo viên Chăm trong toàn tỉnh nhằm giúp cho các giáo viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về âm, vần, cách phát âm, ký tự chữ Chăm.
Nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng Chăm, năm học 2018 - 2019, Bình Thuận tiếp tục tổ chức dạy tiếng Chăm cho gần 3.500 học sinh người Chăm tại 12 trường tiểu học.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước. Đây là chính sách nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục... Chữ Chăm vốn có từ lâu đời, được đồng bào Chăm truyền tụng và lưu truyền, song ít được phổ biến rộng rãi. Vì lẽ đó, ngành giáo dục tỉnh luôn chú trọng việc dạy tiếng Chăm cho con em người Chăm tại các trường Tiểu học. Đây cũng là cách phổ biến văn hóa người Chăm được rộng và sâu hơn.
So với những năm trước đây, việc triển khai dạy tiếng Chăm trong năm học 2018- 2019 có nhiều thuận lợi hơn. Không chỉ bảo đảm đủ sách giáo khoa, vở bài tập cho học sinh, các trường còn có giáo viên là người Chăm tâm huyết, có kinh nghiệm. Toàn tỉnh hiện có 48 giáo viên dạy tiếng Chăm được đào tạo. Các giáo viên giảng dạy tiếng Chăm luôn sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, từ đó đề xuất biện pháp đổi mới phương pháp dạy học tiếng Chăm, vận dụng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) trong tổ chức lớp học, giúp giờ học được sinh động, hiệu quả. Ngoài ra, các trường còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng tiếng Chăm.
Trường Tiểu học Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những trường triển khai dạy và học tiếng Chăm hiệu quả từ nhiều năm qua. Năm học 2018-2019, toàn trường có 10 lớp học với 259 học sinh (trong đó 238 em là người Chăm). Hiện tại, mỗi tuần trường thực hiện dạy khoảng 40 tiết học tiếng Chăm cho tất cả các khối lớp. Các em được học đọc, học viết chữ mẹ đẻ; được giáo viên cung cấp một số tri thức tối thiểu về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, mỗi tuần. Mỗi tiết học bao gồm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết.
Có thể kể đến trường có chất lượng dạy tiếng Chăm tốt nữa là Trường Tiểu học Lâm Thiện, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. Trường có khoảng 120 học sinh người Chăm, phân bổ rải rác các lớp. Chính vì vậy, đến tiết học tiếng Chăm, các em được tập trung lại để học. Còn các học sinh khác nếu có nhu cầu học tiếng Chăm cũng được khuyến khích.
Để chất lượng dạy và học tiếng Chăm ngày một tốt hơn nữa, ông Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, cho biết, Sở tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên dạy tiếng Chăm; Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mở các khóa đào tạo chuyên sâu về bộ môn này. Ngoài ra, sở còn đề xuất với Vụ Giáo dục Dân tộc sớm ban hành bộ đồ dùng thiết bị tối thiểu dạy học tiếng Chăm.