Bình Phước tiêu hủy hơn 200 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Tin từ UBND huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), tính đến chiều 14/5, cơ quan chức năng địa phương này đã xác định được ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Tân Lập và thị trấn Tân Phú ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, thêm ổ dịch nữa cũng được phát hiện ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài.
Cơ quan chức năng thu gom lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại chuồng nuôi ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú. |
Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 7 ổ dịch tả lợn châu Phi. Các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy hơn 200 con lợn lớn nhỏ. Hiện công tác chống dịch và phòng dịch vẫn đang được các địa phương tỉnh Bình Phước khẩn trương thực hiện đúng quy trình.
Công việc thu gom lợn dịchđược tiến hành trong đêm. |
Trước đó, ông Trần Văn Tháp (ngụ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) thấy đàn lợn của gia đình có biểu hiện sốt cao bất thường, bỏ ăn và xuất huyết mũi. Một số con lợn bỗng dưng chết bất ngờ. Ông Tháp trình báo chính quyền địa phương, cơ quan thú ý tiến hành lấy mẫu xét nghiệm thì cho kết quả dương tính virus dịch tả lợn châu Phi.
Số lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi được thu gom chờ tiêu hủy. |
Cơ quan chức năng huyện Đồng Phú đã tiêu hủy đàn lợn 90 con của gia đình ông Tháp với tổng trọng lượng 3.1 tấn, tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực lân cận.
Trong sáng 14/5, cơ quan chức năng huyện Đồng Phú đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn 52 con của gia đình ông Huỳnh Văn Núp (ngụ xã Tân Lập) vì xác định nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Khu vực chuồng nuôi lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi được tiêu độc, khử trùng. |
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 251 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó 126 trang trại chăn nuôi gia công, 98 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê, 27 trang trại chủ đầu tư tự nuôi, với tổng đàn gần 740.000 con.
Ngay khi các địa phương khác phát hiện dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các sở ban ngành thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, hiện công tác tiêu hủy lợn dịch tại đây đang gặp nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí tiêu hủy, phòng chống dịch còn hạn chế; khu vực tiêu hủy lợn chủ yếu tại các hố chôn gần nơi phát hiện dịch và nhân lực tại chỗ “mỏng”.