Bình Phước: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở huyện Bù Đăng
Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Tổng vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019 là hơn 353 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 207 tỷ đồng, vốn các chương trình lồng ghép hơn 9 tỷ đồng, vốn từ doanh nghiệp hơn 21 tỷ đồng, vốn huy động trong dân hơn 114 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn tín dụng ngân hàng chính sách xã hội tham gia chương trình có tổng dư nợ trên 280 tỷ đồng, trong đó dành cho giải quyết việc làm trên 14 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 89,5 tỷ đồng, xây dựng 247,4km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Đóng góp trên 3,35 tỷ đồng để lắp các trụ đèn đường chiếu sáng với chiều dài 118,8km; phát quang trên 302km đường trục chính và liên thôn; xây dựng 215 lò đốt rác...
Thực hiện phong trào chung tay làm đẹp ngõ, xóm, hội, đoàn thể các cấp đã vận động hội viên trồng và chăm sóc 31 tuyến đường hoa với chiều dài trên 17km.
Đến nay, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc. Toàn huyện có 5 xã gồm: Đức Liễu, Minh Hưng, Phú Sơn, Bom Bo, Bình Minh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhờ đó, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới đã có rất nhiều hộ gia đình và cá nhân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đóng góp công sức cho sự nghiệp chung của địa phương như sẵn sàng hiến đất, phá dỡ các công trình trên đất ở để mở rộng lòng đường cùng hàng nghìn ngày công lao động, đồng thời tăng cường giám sát giúp các công trình thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm trên 236 tỷ đồng, đạt 126% dự toán điều chỉnh tỉnh giao, 85% dự toán điều chỉnh HĐND huyện. Chi ngân sách nhà nước trên 717 tỷ đồng, đạt 90% dự toán điều chỉnh tỉnh giao, 57% dự toán điều chỉnh HĐND huyện.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực do giá cả các mặt hàng chủ lực của huyện tăng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được tập trung chỉ đạo và nhân dân đồng tình ủng hộ. Các chính sách đối với người có công, an sinh xã hội được quan tâm, việc triển khai hỗ trợ 230 hộ nghèo dân tộc thiểu số, hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP được thực hiện kịp thời.
Hoạt động văn hóa thông tin – truyền thanh được duy trì và tăng cường trong các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác phòng chống dịch covid-19 với nhiều hình thức phù hợp và hiệu quả.
Hoàn thành tốt công tác giao quân, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và đổi mới phương thức hoạt động theo hướng linh hoạt, tăng cường chỉ đạo cơ sở.
K.Chi