Bình Liêu (Quảng Ninh): Triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nạn buôn bán người
Người dân Bình Liêu (Quảng Ninh) thường sang Trung Quốc làm thuê |
90% dân tộc thiểu số, một bộ phận thường xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới tỉnh Quảng Ninh, có đường biên giới đất liền giáp với Trung Quốc. Với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn lao động trên địa bàn chủ yếu làm nghề nông, lâm nghiệp và một bộ phận thường xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu, tổng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện là 20.263 người. Số lao động có việc làm là 17.725 người, số lao động chưa có việc làm là 2.538 người. Trong khi, đây lại là địa bàn vùng biên, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, tại một số địa bàn chưa phát triển. Do đó, rất nhiều lao động lựa chọn hình thức sang Trung Quốc làm thuê, thậm chí là xuất cảnh trái phép để làm thuê bất chấp nhiều nguy cơ rình rập.
Bà Lương Thị Nghệ, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu cho biết: 6 tháng đầu năm 2017, địa phương có 320 lao động xuất cảnh qua biên giới làm thuê; lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc là 128 người. Người lao động địa phương sang Trung Quốc để làm thuê do ở địa phương thiếu việc làm, tranh thủ đi vào những lúc nông nhàn để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, đa phần người lao động địa phương xuất cảnh sang Trung quốc đều có việc làm không ổn định, có tính thời vụ và tùy thuộc lớn vào chủ sử dụng lao động bên Trung Quốc. Khi có khối lượng công việc nhiều, cần hoàn thành nhanh theo tiến độ hoặc không có lao động người bản địa Trung Quốc làm thì chủ sử dụng lao động mới nhận lao động người Việt Nam vào làm việc.
“Do chỉ hợp đồng bằng miệng nên người lao động của Việt Nam hoàn toàn không có quyền lợi gì trong quá trình lao động. Chưa kể, lao động sang Trung Quốc làm thuê trái phép còn có thể đối mặt với một số loại tội phạm như: Buôn bán người, ma túy, vận chuyển hàng cấm, cưỡng bức lao động...”- bà Nghệ cho biết.
Ráo riết triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa
Trước thực trạng này, thời gian qua, Bình Liêu đã tập trung quán triệt, tuyên truyền Nghị định số 34/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam; Nghị định số 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt tình trạng lao động sang Trung Quốc làm thuê nhằm phát hiện các đường dây, tổ chức đưa dẫn người xuất cảnh trái phép.
Theo số liệu thống kê của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã ngăn chặn 1 vụ, gồm 12 đối tượng và xử lý 2 vụ với 3 đối tượng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Số lao động xuất cảnh trái phép bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ và trả về địa phương là 25 trường hợp.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân tại địa bàn tham gia lao động, ngăn ngừa tình trạng người lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, Bình Liêu chú trọng tới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Năm 2017, huyện thực hiện 6 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 4 lớp nông nghiệp (trồng rau, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm) và 2 lớp phi nông nghiệp (lái xe ô tô hạng C và điện dân dụng).
Cuối tháng 8 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với UBND huyện Bình Liêu đã tổ chức phiên giao dịch việc làm. Đây là phiên giao dịch việc làm lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Liêu. Phiên giao dịch việc làm có sự tham gia của 12 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, dịch vụ thương mại, sản xuất gia công cơ khí, nhà hàng, khách sạn, công nghệ thông tin, nuôi trồng và chế biến thủy sản và Trường cao đẳng nghề Việt – Hàn… Đây là những hoạt động góp phần từng bước thay đổi tư duy nhận thức, của người dân trên địa bàn huyện về lao động việc làm, cách tiếp cận về thị trường lao động. Đồng thời, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, học nghề cho người lao động phù hợp với khả năng và nguyện vọng… giúp người lao động tránh nguy cơ bị ngược đãi, bị trở thành nạn nhân buôn bán người.