“Bình đẳng giới đưa vào sách giáo khoa là điều tất yếu”
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: “Theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình GDPT; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT đã đưa ra các tiêu chuẩn của chương trình tổng thể.
Trong đó, tiêu chí đầu tiên là nội dung chương trình phù hợp với quy định của pháp luật; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị.
Trong khi đó, bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu, giáo dục cần thực hiện vấn đề bình đẳng giới, theo tôi, chương trình, SGK thực hiện lồng ghép về giới, bình đẳng giới là tất yếu, kể cả trong chương trình tổng thể và chương trình môn học. Bộ GD&ĐT dự thảo về tiêu chuẩn SGK cũng phải đáp ứng điều này”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa |
Nhiều ý kiến cho rằng, một số môn học trong chương trình mới có thể lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục về giới. Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho hay: “Điều đầu tiên là cần nâng cao nhận thức về giới và lồng ghép giới cho các nhà giáo dục; đồng thời cần xác định các khâu cần lồng ghép giới trong giáo dục phổ thông.
Để làm được điều này, Bộ GD&ĐT cần xác định mục tiêu lồng ghép giới trong chương trình; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đội ngũ chuyên gia xây dựng chương trình và SGK; đưa tiêu chí về giới và lồng ghép giới vào khâu thẩm định SGK; xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ giáo viên phổ thông; xây dựng các tài liệu truyền thông, cẩm nang bình đẳng giới, kỹ năng sống cho trẻ; tăng cường truyền thông về bình đẳng giới”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: "Với trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Luật Bình đẳng giới và kinh nghiệm thực hiện hoạt động lồng ghép giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thế mạnh về đội ngũ cán bộ và mạng lưới chuyên gia về giới.
Vì thế, Hội đề xuất một số nội dung hoạt động mà Hội có khả năng đầu mối tổ chức và phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy quá trình lồng ghép giới trong xây dựng chương trình phổ thông và viết sách giáo khoa phổ thông như: Tham gia các Hội đồng tư vấn, tham vấn về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, thẩm định chương trình và sách giáo khoa phổ thông; Phối hợp xây dựng và vận hành mô hình tư vấn học đường tại trường học, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh; Biên soạn và cung cấp tài liệu tăng cường kết nối giữa cha mẹ và con cái, kết nối giữa gia đình và nhà trường, trong đó có nội dung giáo dục về giới và bình đẳng giới..."